Tổ đình Tường Vân - Ngôi cổ tự mang nhiều dấu ấn

Tổ đình Tường Vân - Ngôi cổ tự mang nhiều dấu ấn

Tổ đình Tường Vân là một ngôi chùa cổ kính, tọa lạc trên vùng đồi núi làng Dương Xuân Hạ (nay thuộc Phường Thủy Xuân, Thành phố Huế). Theo những tài liệu còn ghi lại, chùa được khởi thủy vốn là thảo am Tường Vân (còn gọi Đông Am) do ngài Tánh Hoạt Huệ Cảnh (đệ tử của Hoà Thượng Đạo Minh Phổ Tịnh) thuộc đời thứ 38 của dòng Lâm Tế chánh tông lập ra vào khoảng năm 1843 dưới đời vua Thiệu Trị.

Tổ đình Tường Vân là một ngôi cổ tự mang nhiều dấu ấn lịch sử và văn hóa. Đây là một trong những ngôi Tổ Đình lớn của Giáo Hội Phật Giáo Thừa Thiên Huế, nơi đào tạo nhiều thế hệ tăng ni, phật tử, góp phần phát triển Phật giáo ở miền Trung. Tổ đình Tường Vân được thành lập vào khoảng năm 1843 dưới đời vua Thiệu Trị, đến năm 1869 thì chính thức được thành lập và trở thành một trong những ngôi Tổ Đình lớn của Giáo Hội Phật Giáo Thừa Thiên Huế. Trong suốt chiều dài lịch sử, chùa đã trải qua nhiều biến cố, nhưng vẫn giữ được nét đẹp cổ kính, uy nghiêm.

Toàn bộ hệ thống kiến trúc chùa theo hình chữ khẩu, kiểu kiến trúc của chùa Huế truyền thống gồm chùa, hậu tổ, tăng xá và trai đường khép kín tạo thành một khoảng sân nhỏ ở giữa đặt chậu hoa cây kiểng vừa trông rất thiên nhiên vừa tạo được sinh khí trong chùa.

Ngôi chùa Tường Vân hiện nay có một tiền đường và một đại điện kiến trúc theo kiểu trùng thiềm nhưng có cải cách. Đi qua một cổng chùa đồ sộ, người ta đến một khoảng sân, lên mấy bậc tầng cấp thì lại đến một khoảng sân cao hơn. Tiền đường xây dựng trên nền cao. Bảy bậc tầng cấp lên tiền đường kéo dài suốt ba gian, hai đầu có hai con nghê chầu, có những vế đối bằng chữ Hán rực rỡ. Mặt tường hai chái đắp hình nổi diễn tả tích Ngài Đường Huyền Trang đi thỉnh kinh, sát góc ngoài có dựng hai tấm bia ngày xưa nói về những lần trùng tu chùa. Giữa hai tầng mái, vách trùng thiềm chia làm ba khung, mỗi khung có bốn chữ Hán. Các góc mái cong lên, có cù giao đẹp, tua vân kiên chạy dài theo giọt mái ngói. Nóc tiền đường và nóc đại điện kiến trúc rất đẹp. Hai bên có hai con rồng uốn lượn châu mặt vào hình Pháp luân ở giữa.

Trong chánh điện, cách thờ tự cũng giản dị. Trước thờ tượng Phật A Di Đà; hàng sau cao hơn, thờ tượng Tam Thế; Địa Tạng Vương được thờ bên phải; Chuẩn Đề nhiều tay được thờ bên trái. Phía hậu tổ chia làm ba án: án giữa thờ ngài Tánh Hoạt Huệ Cảnh và ngài Hải Toàn Linh Cơ; án bên phải chính giữa thờ ngài Thanh Thái, hai bên thờ ngài Tịnh Hạnh và ngài Tịnh Khiết; án bên trái thì chính giữa thờ ngài Tịnh Nhãn, hai bên thờ ngài Viên Quang và ngài Chánh Pháp.

Hậu đường thờ chư linh. Bên phải (từ hậu đường nhìn lên hậu tổ) là Tăng xá, gian chính giữa có thiết hương án chạm trổ mỹ thuật nghiêm trang để thờ Đức Tăng Thống Thích Tịnh Khiết. Bức chân dung của ngài thờ trên hương án thật uy nghiêm và đạo hạnh. Đối qua trái là nhà khách. Phần sân vuông ở giữa có bể nước, cây cảnh thiết trí như một vườn hoa tươi. ở Tăng xá đi lên, nhà chùa có thiết lập một nhà lưu niệm gồm có gường nằm, sách vở, kinh Phật; đồ dùng lúc tại thế của Đức Tăng Thống.

Tổ đình Tường Vân là một địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở Huế, thu hút đông đảo du khách tham quan, chiêm bái. Ngôi chùa mang đến cho du khách một không gian thanh tịnh, yên bình, giúp họ tìm được sự bình an trong tâm hồn. Tổ đình Tường Vân là một ngôi cổ tự có giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa và tâm linh. Nếu có dịp đến Huế, bạn đừng quên ghé thăm Tổ đình Tường Vân để khám phá nét đẹp cổ kính và giá trị tâm linh của ngôi chùa này nhé.

Mời mọi người cùng vãn cảnh chùa qua bộ ảnh sau.

Minh Toàn

Related News

Chùa Từ Đàm - Cổ kính giữa lòng Cố đô
Chùa
Chùa Từ Đàm - Cổ kính giữa lòng Cố đô

Chùa Từ Đàm là một trong những ngôi chùa cổ kính và nổi tiếng nhất ở Huế. Chùa tọa lạ...

Ghé thăm những ngôi chùa cổ kính nổi tiếng ở Huế
Chùa
Ghé thăm những ngôi chùa cổ kính nổi tiếng ở ...

Huế được biết đến là vùng đất Phật giáo, vùng đất của tâm linh với hàng trăm đền chùa...

Đến Huế, tìm về chốn thanh bình nơi Huyền Không Sơn Thượng
Chùa
Đến Huế, tìm về chốn thanh bình nơi Huyền Khô...

Cách TP Huế khoảng 15km, Huyền Không Sơn Thượng là chốn 'xanh', yên bình dành cho du ...

Đến Huyền Không Sơn Thượng một chiều mưa
Chùa
Đến Huyền Không Sơn Thượng một chiều mưa

Một chiều mưa trên kinh đố Huế, tôi đi dọc bờ sông Hương, qua chùa Thiên Mụ, dừng châ...

Ours partners