Phục dựng lại trò chơi Đu tiên truyền thống tại Phú Gia

Phục dựng lại trò chơi Đu tiên truyền thống tại Phú Gia

Sáng 25/2/2024, tại xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc đã khai hội Đu tiên truyền thống Phú Gia. Sau nhiều năm bị mai một, đến nay lễ hội được phục dựng để người và du khách trải nghiệm vui Xuân.

Làng Phú Gia đã tồn tại gần 300 năm, phía đông giáp làng Lập An, phía tây giáp làng Thổ Sơn, phía bắc giáp làng Phú Hải nằm trên đường thiên lý bắc nam là nơi giữ gìn và nuôi dưỡng những giá trị văn hoá dân gian truyền thống.

Xưa kia, trên bước đường theo chúa Nguyễn vào mở đất phương Nam, người dân Thuận Hóa đã mang theo những lễ hội, tín ngưỡng dân gian đặc sắc từ cố hương, trong đó có trò đu tiên. Cụ Trịnh Hoài Đức (1765 - 1825) đã viết trong sách Gia Định thành thông chí: "…Lại có trò vân xa thu thiên (tục gọi tên là đu tiên), hai bên trồng hai trụ gỗ cao, gác ngang một cái trục bằng gỗ xoay động được, khoét lỗ bánh xe bằng ván luồn vô trục như bánh xe guồng lấy nước vậy. Ngài vành bánh xe đặt 8 ròng rọc bằng ván để làm chỗ ngồi, rồi 8 người phụ nữ trang sức đẹp đẽ, y phục lộng lẫy, lên ngồi theo thứ tự miếng ván ấy, đầu tiên mượn người xây bánh xe cho chạy tròn, rồi tiếp theo người ngồi trên bánh xe khi tới phiên mình ngang mặt đất thì lấy chân đạp mạnh lên mặt đất cho trớn đẩy bánh xe xoay chuyển, trông thấy y phục phơ phất như bầy tiên bay múa trong mây mù rất đẹp mắt, cuộc chơi này khởi sự từ buổi mai Nguyên đán cho đến đêm rằm tháng Giêng mới thôi".

Trong nhiều thập kỷ qua, lễ tết làng Phú Gia luôn rộn ràng với các trò chơi dân gian như đu Tiên, hát Bội, bài chòi, hò giã gạo... Vào năm Giáp Ngọ 1954 làng đã phục dựng lại đu tiên tại địa điểm cồn chùa (vị trí chùa Phú Gia bây giờ) nhân lực huy động tại chỗ, số người tham gia làm ngày ấy giờ còn ôn Cặn, ôn Thắng, ôn Bân, ôn Tiếm... hỗ trợ đu tiên còn có hát bội, các diễn viên nghiệp dư ngày ấy giờ còn mệ Cháu, ôn Khướu... Đu tiên tại làng Phú Gia duy trì được 3 năm thì chiến tranh xảy ra và đu Tiên cũng không còn tồn tại hàng năm như trước. 

Sau ngày đất nước độc lập thống nhất, do điều kiện kinh tế khó khăn nên làng chỉ tổ chức các trò chơi tốn ít kinh phí như bài chòi, kéo co, xổ số ..... Nhưng sự khát khao phục dựng lại trò chơi này không bao giờ phải mời trong lòng mỗi người dân làng Phú Gia. 

Đến năm 1995, với quyết tâm phục dựng lại đu Tiên nên các cụ cao niên trong làng nhân dịp tết Nguyên Đán huy động nhân lực là nông dân và thanh niên trong làng lên rừng chặt gỗ về làm và với sự quyết tâm của dân làng thì đu tiên đã hoàn thành trong vòng 2 ngày. Địa điểm tại khu vực hội trường thôn hiện nay, hỗ trợ vui xuân còn có bài ghế, xổ số lồng cầu. Đu tiên ở Phú Gia dựng 4 trụ (chân choãi theo thế thượng thu hạ thách), có hai trếnh đu đỡ trục chính để giàn đu vững chắc hơn. Giàn đu tiên ở Phú Gia phục dựng năm 1995 qui mô nhỏ nên chỉ 4 người chơi.

Lần này thì tồn tại được 3 năm đến năm 1999 thì gỗ hư hỏng nặng, gỗ rừng thì quản lý nghiêm ngặt nên đu tiên cũng không còn hoạt động. Bà con trong làng ai cũng muốn phục dựng lại nhưng điều kiện kinh tế khó khăn không cho phép

Trò chơi Đu tiên được phục dựng lại là niềm vui cho mọi người từ các vị bô lão, thanh niên cũng như là các em nhỏ tại Phú Gia

Các lãnh đạo huyện Phú Lộc, xã Lộc Tiến và ban ngành liên quan tại buổi lễ phục dựng

Đầu năm 2024 được sự hỗ trợ về tinh thần cũng như vật chất của Liên hiệp các hội VHNT tỉnh, Hội Văn nghệ dân gian tỉnh, UBND huyện Phú Lộc, UBND xã Lộc Tiến đã tiến hành phục dựng lại Đu Tiên.

Do vật liệu làm trụ chính bằng gỗ hiện nay rất khó tìm và hiếm nên làng quyết định làm bằng bê tông để sử dụng được lâu dài và góp phần bảo về môi trường. Tuy làm bê tông nhưng ý nghĩa và giá trị văn hoá của Đu tiên vẫn được giữ gìn và phát triển.

Phục dựng lại Hội Đu tiên Phú Gia là nỗ lực rất lớn của các nhà nghiên cứu văn hóa và người dân địa phương. Do kho dữ liệu lễ hội dân gian của Thừa Thiên Huế đã không còn thông tin về lễ hội này nên đòi hỏi rất nhiều công việc cần làm phía trước

Nụ cười thật tươi của người dân địa phương khi được tham gia trò Đu tiên trong những ngày đầu xuân

Để bảo vệ an toàn trong khi chơi, người chơi được thắt dây an toàn

Một lần chơi được 4 người, trong đó hai người sẽ có nhiệm vụ quay cho đu tiên xoay tròn

Ngày xưa khi ngồi trên đu tiên, người chơi còn cất lên những câu hát xướng, những điệu hò giao duyên tình cảm. Vì vậy đến nay người dân vẫn còn nhớ lại những câu hò mô tả không khí vui tươi nhộn nhịp của trò chơi đu tiên ngày xuân.

"Chơi đu thì phải hò đu,

Bao nhiêu trai gái lên đu phải hò.

Hoặc:

Đu tiên mới dựng năm nay,

Cô nào hay hát kỳ này hãy lên".

Giàn đu tiên trông giống như cái xe guồng lấy nước vào ruộng ngày xưa. Đây là một trò chơi dân gian tái hiện hình ảnh nền văn minh lúa nước của dân tộc Việt. 

Ước mơ bay cao lên trời của người dân làng từ thưở xa xưa được tái hiện lại một cách chân thực nhất

Một trung niên trong làng mặc áo dài vui vẻ chuẩn bị xoay cùng đu tiên

Tiếng cười vui rộn vang cùng với các vòng xoay ngày càng nhanh hơn của đu Tiên khiến không khí ngày xuân thêm ấm áp một vùng quê. Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian tỉnh cho biết, phục dựng lại trò đu tiên ở Phú Gia là  điều rất tốt cho Phú Gia nói riêng và TT Huế nói chung, tương lai sẽ xây dựng hồ sơ thành di sản phi vật thể cấp quốc gia cho trò chơi Đu tiên này.

Lê Huy Hoàng Hải

Tin liên quan

Nhộn nhịp ở phố "Đầu Lân"
Văn hóa Huế
Nhộn nhịp ở phố "Đầu Lân"

Huế những ngày cận kề tết Trung thu rộn ràng sắc màu, hàng trăm đầu lân cùng những ph...

Nét đẹp truyền thống và sự độc đáo của Lễ Thu tế làng Chuồn
Văn hóa Huế
Nét đẹp truyền thống và sự độc đáo của Lễ Thu...

Làng Chuồn, hay còn gọi là làng An Truyền, thuộc xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa...

Đầu xuân về Thủ Lễ xem vật
Văn hóa Huế
Đầu xuân về Thủ Lễ xem vật

Sáng 15/2/2024 (mùng 6 tháng Giêng), Hội vật làng Thủ Lễ ở thị trấn Sịa, huyện Quảng ...

Dựng nêu đón Tết trong hoàng cung
Văn hóa Huế
Dựng nêu đón Tết trong hoàng cung

Sáng 02/02/2024 (tức 23 tháng Chạp âm lịch), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã t...