Món cháo Lạp Bát vốn có nguồn gốc từ Phật giáo, ban đầu là món cháo chay, theo truyền thuyết là do một cô gái chăn cừu dâng tặng Thái tử Tất Đạt Đa khi ngài đang tu khổ hạnh, sau 6 năm ròng rã nhưng chưa đạt kết quả.
Sau khi dùng bát cháo này ngài bỗng cảm thấy thân thể khỏe khoắn, tinh thần thông tuệ và chợt ngộ ra con đường để “đáo bỉ ngạn”, tức thành Phật. Đó là ngày mùng 8 tháng 12, tức là ngày Lạp Bát (Lạp: tháng 12, Bát: 8), cũng vì vậy mà thành tên cháo Lạp Bát. Món cháo đánh dấu một sự kiện lịch sử: Tất Đạt Đa thành Phật.
Món cháo Lạp Bát trong ẩm thực cung đình Huế gồm thủy sản, các loại nấm quý, rễ tre non và rể một số loài cỏ, đều được xem là thảo dược quý.
Trong tác phẩm Hiệp Khách Hành của Kim Dung, món cháo Lạp Bát tương truyền là được nấu bằng loài cỏ độc (tên là Đoạn trường thực cốt hủ tâm thảo) ăn vào sẽ bị đứt ruột mòn xương nát tim, vậy nên khi nghe tên món cháo này ai cũng khiếp sợ, không dám đụng đến. Những cao thủ võ lâm Trung nguyên được sứ giả của đảo Hiệp Khách mời lên đảo ăn cháo Lạp Bát 10 năm một lần đều không thấy trở về, vậy nên giang hồ đều cho rằng ăn cháo Lạp Bát có nghĩa là sẽ từ biệt võ lâm, chấm dứt cuộc sống ở trần gian. Tuy nhiên, theo lời đảo chủ đảo Hiệp Khách, loài cỏ độc kia sau khi nở hoa mới có công hiệu, còn khi họ dùng kết hợp với một số loại thuốc để nấu cháo Lạp Bát thì trở thành một loại y thực bổ dưỡng rất có lợi cho người luyện võ.
Đó là trong truyện kiếm hiệp, còn trên thực tế, cháo Lạp Bát là một loại cháo khá phổ biến trong cuộc sống đời thường của người Trung Quốc. Món cháo Lạp Bát được nấu từ các nguyên liệu táo tàu, hạt sen, mè đen, long nhãn, đậu đỏ…dùng để cúng Phật hoặc phát chẩn cho người nghèo, vậy nên còn có tên là Cháo Phật.
Tuy chịu ảnh hưởng nhiều của văn minh Trung Hoa nhưng món cháo Lạp Bát ở Việt Nam lại không phải là món chay mà được hiểu hoàn toàn khác. Đây là một món mặn và rất quý hiếm. Đến nay thì còn rất ít người biết đến.
Theo nghệ nhân ẩm thực cung đình Trần Thanh Quang, món cháo Lạp Bát của người Việt đã có lịch sử lâu đời, nhưng là cháo cá chép nấu với một số loại nấm, ban đầu thường chọn loại cá chép tự nhiên có vảy sọc vàng đen. Chữ Lạp Bát ở đây lại có ý nghĩa hoàn toàn khác ở Trung Quốc, Lạp có nghĩa là làm dai đi, Bát là 8 loại cá chép trong tự nhiên. Đến thời Nguyễn thì món cháo Lạp Bát được Thái Y Viện và Thượng Thiện Sở nghiên cứu, nâng cấp thành một loại y thực trong ẩm thực cung đình. Đây là một món ăn rất bổ dưỡng đồng thời lại có tác dụng điều hòa khí huyết và chữa bệnh rất tốt.
Trong các nguyên liệu để nấu món cháo Lạp Bát mà nghệ nhân Trần Thanh Quang thủ đắc từ sư phụ của mình là nghệ nhân ẩm thực cung đình Nguyễn Phúc Ưng Viên ngoài cá chép và các loại thủy sản, các loại nấm quý còn có một số loại “thảo dược” đặc biệt: Rễ tre non và một loại rể cây cỏ khác. Đó cũng là bí quyết làm nên món cháo Lạp Bát cung đình hết sức cầu kỳ và đặc biệt. Theo anh Trần Thanh Quang, nếu món cháo Lạp Bát được phối hợp với bài thuốc “Dương Xuân Toàn Thọ” thì bổ dưỡng vô cùng, dùng để chữa bệnh rất hiệu quả.
Xin nói thêm, tôi đã 2 lần được dùng món cháo Lạp Bát do nghệ nhân Trần Thanh Quang thực hiện. Phải nói rằng hương vị rất lạ nhưng rất ngon miệng. Và đúng là vô cùng bổ dưỡng. Chỉ dùng một chén (bát) cháo nhỏ mà cảm giác như đã đủ no, nhưng lại rất nhẹ nhàng thoải mái chứ không hề nặng bụng.
Đúng là Y thực cung đình thời Nguyễn có những bí ẩn vô cùng kỳ diệu!
Tin liên quan
Nói đến Ẩm thực Cung đình Huế, người ta thường nghĩ đến lối ăn cung đình, một phong c...
Chỉ với một chút khéo léo và không tốn quá nhiều thời gian, bạn đã có thể làm nên nhữ...
Chị Lê Thị Thanh Hương, ở Kim Long (TP. Huế) là một trong số ít những người còn biết ...
Không những có giá trị thẩm mỹ, hoa sen lấy hạt còn xuất hiện trong ẩm thực của người...