Trong hai ngày 05 và 06/02/2025 (Mùng 08-09 Tết), Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Huế sẽ chủ trì tổ chức Lễ hội Đền Huyền Trân xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Ngưỡng vọng tiền nhân” tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân (số 151 đường Thiên Thai, phường An Tây, quận Thuận Hóa, Thành phố Huế).
Lễ hội Đền Huyền Trân được tổ chức nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của Công chúa Trần Huyền Trân và Hoàng đế Trần Nhân Tông trong việc mở mang bờ cõi đất nước. Năm 1306, thể theo di nguyện của vua cha Trần Nhân Tông, công chúa Huyền Trân đã hy sinh tình riêng để kết duyên với vua Chế Mân nước Chiêm Thành, vị vua anh hùng đã từng hỗ trợ, phối hợp cùng quân và dân Đại Việt đánh tan một cánh quân xâm lược của đế quốc Nguyên Mông khi chúng xâm lược nước ta lần thứ ba.
Theo tư liệu ghi tại chùa, công chúa Huyền Trân (sinh năm 1287, tạ thế năm 1340) là con gái đức vua Trần Nhân Tông và Khâm Từ Bảo Thánh hoàng hậu. Quốc vương Chiêm Thành là Chế Mân, khi còn ở cương vị Thái tử, đã tỏ rõ tài năng qua phối hợp với Đại Việt đánh tan đội quân Nguyên Mông xâm lược Đại Việt và Chiêm Thành vào năm 1282. Năm 1301, Chế Mân mời Thái Thượng hoàng Trần Nhân Tông sang thăm Chiêm Quốc. Mến mộ tài năng của Thái Thượng hoàng, vua Chế Mân muốn cầu hôn con gái người để kết tình bang giao hai nước.
Tháng 6-1306, vua Chế Mân đã dâng châu Ô và châu Lý, tức từ đèo Hải Vân đến tỉnh Quảng Trị ngày nay, cho nước Đại Việt làm sính lễ để rước công chúa Huyền Trân về làm Chính cung và phong Vương hậu với tước hiệu là Paramecvari. Với lòng yêu nước thương dân, vâng lời vua cha, công chúa Huyền Trân đã lên kiệu hoa về Chiêm Thành. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân chỉ kéo dài 1 năm thì vua Chế Mân đột ngột qua đời.
Năm 1308, công chúa Huyền Trân được đoàn tùy giá đưa về Thăng Long. Đầu năm 1309, công chúa Huyền Trân đã xin vua cha cho bà xuống tóc xuất gia tu hành. Đến năm 1311, công chúa Huyền Trân về chân núi Hổ lập am thờ Phật. Thời điểm đó, ở làng Tiền, xã Tam Thanh, phía tây núi Hổ có công chúa Thụy Bảo là cô ruột của công chúa Huyền Trân cũng đang tu hành. Hai người đã cùng nhau tu hành, khai hoang lập ấp, dạy dân trồng cây lương thực để cuộc sống ấm no, trồng cây thuốc nam để chữa bệnh, chăm lo cho đời sống nhân dân trong vùng.
Từ mối lương duyên đặc biệt này, lãnh thổ của Đại Việt được mở rộng về phía Nam hàng trăm dặm, lập nên vùng đất Thuận Hóa, trong đó có vùng đất Huế ngày nay.
Lễ hội đền Huyền Trân được mở đầu bằng chương trình nghệ thuật sử thi đặc sắc tái hiện cuộc đời và công lao to lớn của Công chúa Huyền Trân - ái nữ của vua Trần Nhân Tông, người cách đây 711 năm đã dấn thân "Nước non ngàn dặm ra đi...; Mượn màu son phấn; Đền nợ Ô, Lý", hy sinh tình riêng để nên duyên với vua Chăm-pa là Chế Mân.
Sau phần tế lễ, lãnh đạo thành phố, các ban ngành, địa phương, cùng nhiều người dân TP Huế và du khách đã dâng hương tưởng niệm, tri ân đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông, Công chúa Huyền Trân, những bậc tiền nhân đã có công lao to lớn trong việc mở mang bờ cõi đất nước.
Là khu du lịch tâm linh, vào những ngày đầu xuân, Trung tâm Văn hoá Huyền Trân đã thu hút nghìn người dân ở TP Huế và du khách thập phương đến tham quan, vãn cảnh, dâng hương... Những nơi được du khách tham quan nhiều là điện thờ tượng vàng Công chúa Huyền Trân, tượng công chúa khi đã xuất giá đến tu tại chùa, tượng thờ Phật Di Lặc, đền thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông - cha Công chúa Huyền Trân và tháp chuông Hòa Bình... Đền Huyền Trân công chúa được xây dựng trên khuôn viên rộng khoảng 28 ha. Địa hình khu đất thoai thoải, kéo dài từ chân núi lên đến đỉnh, có rừng thông xanh mướt, giữa bốn bề đồi núi điệp trùng. Đứng trên đỉnh núi nhìn xuống, du khách có thể thu vào tầm mắt một khoảng không gian bao la, sơn thủy hữu tình, phía xa xa là dòng Hương giang thơ mộng. Giữa không gian bảng lảng của vùng đồi núi Ngũ Phong, đền thờ Huyền Trân công chúa uy nghiêm và huyền bí với những nét văn hoá kiến trúc tiêu biểu của thời Trần từ hoa văn, hoạ tiết cho đến 3 bức phù điêu trước mặt tiền đường, là biểu tượng của ý chí thống nhất non sông liền một dải từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau. Theo con đường dẫn vào bên trong, trước cổng đền là bốn trụ biểu vươn cao, tiếp đến là khoảng sân rất rộng. Lối đi được lát gạch Bát Tràng, hai bên có hồ nước trong xanh soi bóng và chiếc cầu bắc qua dẫn đến chánh điện thờ Huyền Trân công chúa. Tất cả đều nằm trên một trục thẳng, tạo nên khoảng không gian thoáng đãng, thâm nghiêm. Bên trong chánh điện đặt pho tượng công chúa Huyền Trân ngồi trên ngai với khuôn mặt phúc hậu, dáng vẻ uy nghiêm. Phía sau chánh điện là lầu bát giác dựng tượng ni sư Hương Tràng (pháp danh của Huyền Trân công chúa sau khi xuất gia tu hành). Khuôn mặt hiền từ của ni sư như ánh lên một nỗi buồn man mác, trầm tư trước thế thái nhân tình. Cùng với đó, tấm bia ký khắc trên tấm đá Thanh tạc nên hình ảnh công chúa Huyền Trân dấn thân mở cõi bảy trăm năm trước “Công chúa nổi tiếng thiên hương, tư chất thông minh, hiếu nghĩa vẹn toàn, ví như huyền ngọc quốc bảo…
Toàn cảnh khu vực đền Huyền Trân Công Chúa nhìn từ trên cao
Trải bước trên 246 bậc cấp theo con đường ngoằn ngoèo giữa những hàng cây xanh tỏa bóng, du khách đặt chân lên đỉnh núi Ngũ Phong, nằm ở độ cao 108 m so với mực nước biển là tháp chuông Hòa Bình. Giữa đỉnh núi cao, sừng sững tháp chuông mái hình lục giác in vẻ trầm mặc giữa nền trời xanh; chuông nặng 1,6 tấn, cao 2,16 m, thân chuông có khắc các hình ảnh tượng trưng của bốn ngôi chùa nổi tiếng: Giác Lâm (TP. Hồ Chí Minh), Thiên Mụ (TP. Huế), Diên Hựu (TP. Hà Nội) và Trúc Lâm Yên Tử (Quảng Ninh). Đến với tháp chuông Hòa Bình, du khách gióng lên những hồi chuông vang vọng khắp đất trời, kiếm tìm sự bình an cho tâm hồn trong tiếng chuông thong thả, lan tỏa trong không gian tĩnh lặng, mang theo lời nguyện lành như tám chữ được khắc trên mặt chuông: “Thế giới – Hòa bình – Nhân loại – Hạnh phúc”, khiến lòng ta thanh thản bao nhiêu.
Lễ hội đền Huyền Trân được Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức có quy mô lớn, đầy đủ hai phần lễ và hội. Bên cạnh các phần lễ chính, như: Khai hội, Lễ Tiên Thường (cáo giỗ), Lễ kỵ Công chúa Huyền Trân... năm nay, Sở Văn hóa và Thể thao TP Huế đã huy động các lực lượng của ngành, phối hợp các địa phương tổ chức nhiều hoạt động văn hóa và thể thao, tạo không khí tươi vui phấn khởi trong lễ hội, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia, như: Biểu diễn võ cổ truyền, chơi bài Chòi, biểu diễn vật dân tộc, đẩy gậy, trình diễn nghề dệt Zèng, chằm nón, thư pháp, trưng bày các sản phẩm thủ công truyền thống…
Viết thư pháp tại không gian lễ hội
Nghề chằm nón được các người thợ lành nghề thao diễn trong không gian lễ hội
Nghề làm tò he cũng thu hút nhiều du khách, nhất là trẻ em
Đây là lễ hội thường niên, thu hút đông đảo các tổ chức đoàn thể, tầng lớp nhân dân, bà con tăng, ni, Phật tử, các chức sắc tôn giáo và du khách gần xa đến bày tỏ lòng thành kính, tri ân công đức tổ tiên, tưởng nhớ vị nữ thần Anh thư thời Trần cùng các bậc tiền nhân đã cống hiến tài năng, sức lực cho sự nghiệp khai phá mở đất và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc.
Ca Huế thu hút nhiều du khách trong lễ hội đền Huyền Trân
Lễ hội Đền Huyền Trân chính thức được khai mạc vào lúc 8g sáng ngày mùng 9 tháng Giêng năm Ất Tỵ (tức ngày 6/2/2025). Người dân địa phương và du khách sẽ được tham gia các hoạt động phong phú trong khuôn khổ lễ hội như: Chương trình nghệ thuật khai mạc, các chương trình ca Huế, trình diễn nghệ thuật bài Chòi, các trò chơi dân gian, biểu diễn võ thuật, trình diễn áo dài, thư pháp, nón lá, bánh ngũ sắc...Đây là cơ hội để mọi người vừa du xuân vừa trải nghiệm giá trị văn hóa truyền thống của vùng đất cố đô.
Du khách chọn trang phục là áo dài để đi trẩy hội
Lễ hội Đền Huyền Trân không chỉ thể hiện lòng biết ơn đối với công lao của Công chúa Huyền Trân mà còn góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước và tinh thần đoàn kết dân tộc. Đây cũng là cơ hội để quảng bá những giá trị di sản văn hóa của TP Huế đến với du khách trong và ngoài nước.
Tin liên quan
Hương Vinh, TP. Huế - sáng ngày 8/2/2025 (nhằm ngày 11 tháng Giêng năm Ất Tỵ), Làng T...
Sáng ngày 6/2/2025 (nhằm mùng 9 tháng Giêng), tại sông Vực, phường Thủy Phương, thị x...
Sáng ngày 06/02/2025, Trung tâm Bảo tồn Di tích (BTDT) Cố đô Huế tổ chức lễ phát động...
Ngày 07/2 (tức mồng 10 Tết hàng năm), hàng nghìn người dân và du khách thập phương đổ...