Về Huế xem hội vật Sình đầu xuân vô cùng thú vị

Về Huế xem hội vật Sình đầu xuân vô cùng thú vị

Ngày 07/2 (tức mồng 10 Tết hàng năm), hàng nghìn người dân và du khách thập phương đổ xô về làng Sình để xem Hội vật làng Sình

“Đò từ Đông Ba, đò qua Đập Đá
Đò về Vĩ Dạ, thẳng ngã ba Sình…”

Câu dân ca gợi nhớ thôn Vĩ Dạ trong thơ Hàn Mạc Tử. Hai con sông Hương và sông Bồ khi chảy vào địa phận phường Dương Nỗ quận Thuận Hoá  (TP  Huế) thì gặp nhau trở dòng, thành một ngã ba - ngã ba Sình. Làng Sình (Phường Dương Nỗ quận Thuận Hoá) có cảnh đẹp như tranh phong cảnh truyền thống.

Thành Hoá Châu là lỵ sở của một vùng phên dậu phương Nam nước Đại Việt, được xây dựng trong khu vực có vị trí chiến lược đặc biệt, án ngữ thuỷ lộ huyết mạch mà vùng Thanh Phước - Sình chính là cửa ngõ. Xưa kia, vào thời hưng thịnh của thành Hóa Châu, đây là cửa ngõ giao thương quan trọng của Đàng Trong. 

Tương truyền từ xa xưa rằng, vào thời Trần - Hồ, để huấn luyện binh sĩ, vật võ là môn thể thao được ưa chuộng. Trai làng Sình tích cực tham gia và dần dần trở thành một phong trào được tổ chức hàng năm để rèn luyện sức khoẻ trong lao động và bảo vệ quê hương.

Các cao niên trong làng đang làm lễ trước khi khai mạc sới vật trước sân đình

Những người già ở làng Sình kể lại, hội vật truyền thống của làng đã có lịch sử vài trăm năm và phát triển liên tục cho đến nay. Hội vật được tổ chức không vì mục đích tuyển chọn võ sĩ cho Triều đình mà chỉ được xem là hoạt động giải trí đơn thuần sau những ngày Tết. Thế nên, ngoài việc thể hiện sức khỏe, tinh thần thượng võ, thỉnh thoảng các đô vật còn cố tình tạo tiếng cười giúp người dân có được tinh thần sảng khoái để bước vào năm mới. Người địa phương còn quan niệm, nếu năm nào hội vật thu hút được nhiều người đến xem thì năm đó người làng sẽ làm ăn khấm khá.

Dưới thời nhà Nguyễn, nhờ có vị trí đặc biệt quan trọng trên các tuyến thuỷ lộ huyết mạch mà ngã ba Sình được triều đình chú trọng đầu tư xây dựng thành nơi diễn tập thuỷ quân. Với phương châm lấy việc rèn luyện sức khoẻ làm đầu, Nhà nước phong kiến khuyến khích quân lính tổ chức vật võ, và về sau ấn định ngày mùng 10 tháng Giêng làm ngày tổ chức Hội vật làng Sình

“Dù ai đi đó đi đây

Ngày Mười hội vật nhớ quay về Sình”

Đó là câu ca dao ở Huế nhắc nhở mọi người hãy nhớ ngày 10 tháng Giêng hàng năm, làng Sình mở hội vật đầu năm mới để cầu sức khỏe, bình an, mùa màng tươi tốt, bội thu. Vật làng Sình đã trở thành một nét đẹp văn hóa của địa phương nói riêng và của Cố đô Huế nói chung, nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống của quê hương và dân tộc; là nơi tôn vinh những thanh niên cường tráng, ngoài yếu tố vui khỏe những ngày đầu xuân; hội vật còn mang đầy tinh thần thượng võ, kích thích việc rèn luyện sức khỏe, lòng dũng cảm, sự tự tin, mưu trí.

Từ sáng sớm, không khí lễ hội đã rộn ràng, tiếng trống hội, băng rôn, cờ hoa rực rỡ, người xem vây kín các sới vật, ngoài đường dòng người nô nức tìm về lễ hội ngày một đông... Hội vật làng Sình có hai phần: Phần lễ và phần hội. Trước khi tiếng trống khai hội bắt đầu là phần lễ tại đình làng. Đó là nghi lễ vái tạ Thành Hoàng của các trưởng tộc ở đình làng, để nhắc nhở con cháu luôn nhớ đến ơn đức tổ tiên. Cái độc đáo làm cho hội vật luôn có khí thế, hào hứng là những hồi trống thúc giục do một bô lão cầm chầu:

“Ba hồi trống giục ầm ầm,

Chấp lệnh tay cầm dùi trống bước ra”

Sau màn nghi lễ tôn nghiêm ở đình làng của các vị trưởng bối, hội vật chính thức được bắt đầu bằng những màn biểu diễn đẹp mắt của các đô vật chuyên nghiệp. Phần chính của lễ hội là các cuộc đấu hấp dẫn giữa các đấu vật thiếu niên và thanh niên. Hội vật thu hút hơn 100 đô vật ở thành phố Huế về tranh tài. “Lệ” làng cũng quy định, các đô vật dự đấu không nhất thiết phải là người địa phương, và bất kỳ khán giả nào cũng có thể được lên sới đấu vật. Ngoài giải Cạn dành cho chức vô địch, làng còn dành riêng một khoản tiền để thưởng cho tất cả những đô vật tham gia hội. Có thể do điều kiện dự hội khá đơn giản, nên ngày xưa, cứ đến trước ngày làng mở hội vật, trai tráng khắp nơi theo nhau về làng Sình. Sới vật làng Sình diễn ra trên đất cát, mỗi cạnh rộng 8m. Hội vật làng Sình về cơ bản cũng áp dụng theo nguyên tắc của luật thi đấu vật dân tộc. Người thắng cuộc phải làm cho đối phương “lấm lưng, trắng bụng”, nghĩa là vật ngã ngửa đối phương và làm cho lưng chạm đất; người thua bị loại trực tiếp:

“Trông anh đô vật làng mình

Mặt mũi hiền lành chỉ tội… lấm lưng!”

Các đô vật thiếu nhi được các vị trưởng lão trong làng trao thưởng động viên

Các tay vật thiếu nhi phải hạ một đối thủ, thiếu niên phải hạ liên tiếp hai đối thủ, còn đối với thanh niên là hạ ba đối thủ mới được vào vòng bán kết rồi chung kết.Theo quy định của Ban tổ chức, nếu đô vật nào đăng ký thi đấu mà phát hiện có mùi bia, rượu sẽ không được phép lên sới vật tranh tài ngoài ra phải cắt móng tay móng chân, tháo dây kim loại, nhẫn... ra khỏi cơ thể.

Người dân trong làng thức dậy từ 4h sáng để có mặt ngoài sân đình coi vật

Trên sới, các đô vật thi đấu hăng say, cống hiến cho người xem nhiều cuộc đấu gay cấn với nhiều miếng đánh đẹp mắt và dũng mãnh, bên ngoài tiếng trống hội và tiếng hò reo của khán giả càng thúc giục các đấu sĩ thi đấu quyết liệt hơn.

Người thắng cuộc ngoài các giải thưởng, tiền thưởng do ban tổ chức trao tặng, còn được nhận thêm mâm cau trầu và rượu do các bô lão làng Sình trao tặng.

Nét độc đáo trong hội vật không phải là kết quả thắng thua mà là tinh thần đồng đội và thượng võ. Các đô vật không được ra các đòn đánh nguy hiểm đến tính mạng như bẻ, vặn, khoá trái khớp, bấm huyệt, nắm tóc, tấn công vào hạ bộ, yết hầu, mắt... một đô vật của làng nào bị thua sẽ có đô vật khác lên tiếp sức. Nếu để thua một trận các đô vật phải chờ đến năm sau mới "phục hận" được, vì thế các đô vật thường rèn luyện suốt năm, tu dưỡng đạo đức để chờ đầu xuân tham dự, tranh tài.

Không gian hội vật làng Sình cũng rất phong phú, du khách đến đây còn được xem các sản phẩm truyền thống của địa phương, như đồ chơi thủ công, tranh thờ, tranh dân gian làng Sình và hoa giấy Thanh Tiên.

Các đô vật thanh niên với những thế vật đẹp mắt khiến du khách trầm trồ thán phục

Sau khi sới vật lễ trước đình làng kết thúc lúc 7h sáng thì bắt đầu diễn ra các trận đấu tại sới vật chính ngoài khoảng đất trống trước cổng làng Lại Ân ( Phường Dương Nỗ quận Thuận Hoá Tp Huế) . Các đô vật nam và nữ sẽ thi đấu cả ngày để tìm ra người chiến thắng 

Các đô vật phải vượt qua vòng đấu loại, giành chiến thắng trước 2 đối thủ mới bước vào vòng bán kết và phải vượt qua 1 đối thủ nữa mới lọt vào vòng chung kết

Thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách du Xuân về xem vật

Những cựu đô vật trong làng nhớ lại thời trai trẻ

Hội vật Làng Sình ngoài yếu tố tâm linh như mong cho dân khoẻ, làng yên, mùa màng tươi tốt, hạnh phúc đến với muôn người còn là một hoạt động vui, khoẻ đầy tinh thần thượng võ. Với bề dày truyền thống có từ hàng trăm năm qua, hội vật làng Sình là “món ăn” tinh thần không thể thiếu của người dân Cố đô Huế mỗi khi Xuân về Tết đến. Hội vật cũng là nơi những người con xứ Huế đi làm ăn phương xa trở lại nơi chôn nhau cắt rốn, gặp mặt người thân, bạn bè trước khi tự tin đóng khố bước vào sới vật tranh tài với tinh thần thượng võ, lạc quan yêu đời

Lê Huy Hoàng Hải

Tin liên quan

Lễ hội đua ghe truyền thống Làng Triều Sơn Đông 2025: Tôn vinh văn hóa, chào mừng Xuân mới
Tin tức
Lễ hội đua ghe truyền thống Làng Triều Sơn Đô...

Hương Vinh, TP. Huế - sáng ngày 8/2/2025 (nhằm ngày 11 tháng Giêng năm Ất Tỵ), Làng T...

Tưng bừng giải đua trải truyền thống đầu Xuân trên sông Vực
Tin tức
Tưng bừng giải đua trải truyền thống đầu Xuân...

Sáng ngày 6/2/2025 (nhằm mùng 9 tháng Giêng), tại sông Vực, phường Thủy Phương, thị x...

TRỒNG HƠN 1.000 CÂY XANH CÁC LOẠI TẠI KHU VỰC DI TÍCH LĂNG VUA GIA LONG
Tin tức
TRỒNG HƠN 1.000 CÂY XANH CÁC LOẠI TẠI KHU VỰC...

Sáng ngày 06/02/2025, Trung tâm Bảo tồn Di tích (BTDT) Cố đô Huế tổ chức lễ phát động...

LỄ HỘI ĐỀN HUYỀN TRÂN XUÂN ẤT TỴ (2025)
Tin tức
LỄ HỘI ĐỀN HUYỀN TRÂN XUÂN ẤT TỴ (2025)

Trong hai ngày 05 và 06/02/2025 (Mùng 08-09 Tết), Sở Văn hóa và Thể thao thành phố H...