Lan tỏa ẩm thực Huế

Lan tỏa ẩm thực Huế

Hình ảnh, hương vị đặc sắc của những món ngon đặc trưng của từng địa phương do các hội viên phụ nữ (HVPN) mang đến những hội thi, hay những cửa hàng bán đồ ăn do hội viên làm chủ được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh và các cơ sở hội tích cực giới thiệu, quảng bá, góp phần giới thiệu văn hóa ẩm thực Huế đi muôn nơi.

 
Hội LHPN Hương Trà làm bánh gói Hương Cần. Ảnh: Hội LHPN tỉnh

Mỗi người là một tuyên truyền viên

Cùng chị Đào Thị Thanh Thúy, Chủ tịch Hội LHPN phường Thủy Biều, TP. Huế ghé thăm mô hình vay vốn khởi nghiệp trên địa bàn phường, chúng tôi khá bất ngờ khi đó chỉ là một quán bún khá khiêm tốn trên một con đường nhỏ của phường này, nhưng hiệu quả lại rất cao.

Chúng tôi mới vào chưa lâu, khách ăn đã vào ra tấp nập. Để minh chứng cho những gì mình nói, chị Thúy lên mạng tìm kiếm thông tin về quán bún nhà Đạt của chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh, HVPN phường Thủy Biều. Đó là những đánh giá "5 sao", những lời khen "nức mũi" cho quán bún còn khiêm tốn này.

Đã từng bôn ba khắp nơi, làm nhiều nghề, nhưng khi dịch COVID-19 ập đến, chị Hạnh chọn về quê sinh sống. Vốn có niềm đam mê với ẩm thực, lại có "tay" nấu nướng nên chị Hạnh được Hội LHPN phường tư vấn phương án khởi nghiệp phù hợp và hỗ trợ làm hồ sơ vay vốn.

"100 triệu đồng vay vốn giải quyết việc làm, tôi thuê mặt bằng và bắt đầu mở quán bún. Cũng chỉ nghĩ bán chủ yếu cho bà con trong vùng, kiếm thu nhập đủ trang trải cuộc sống. Nhưng tiếng lành đồn xa, lại được các cấp hội tích cực quảng bá, giới thiệu, quán bún của tôi bắt đầu có khách du lịch ghé. Điều không ngờ là sau khi ăn, thấy ngon, họ đã đăng hình quảng bá giúp lên trên các trang mạng xã hội với những đánh giá, phản hồi rất tốt", chị Hạnh chia sẻ.

Mới mở quán chưa được hai năm, nhưng mỗi ngày quán chị bán trên dưới 250 tô bún, lượng khách du lịch cũng tương đối nhiều. Đó chính là thành công bước đầu mà có lẽ chị Hạnh cũng chưa dám nghĩ tới.

"Không đơn giản chỉ là nấu bún "chuẩn vị Huế" mà bún phải luôn đảm bảo về nguyên vật liệu tươi ngon mỗi ngày. Bún được nấu bằng bếp củi và đảm bảo khâu an toàn vệ sinh thực phẩm. Có như thế thì buôn bán mới dài lâu. Hơn nữa khi khách du lịch biết đến, ghé đến đông hơn mỗi ngày thì ngoài việc "kiếm cơm" mình còn có trách nhiệm giữ gìn thương hiệu cho ẩm thực Huế", chị Hạnh trải lòng.

...

Lướt facebook, tôi thấy một cán bộ hội LHPN đăng tải hình ảnh một gói xôi hạt sen do hội viên nấu lên trang cá nhân của mình. Cùng với đó là những bình luận tích cực và rất nhiều lượt chia sẻ của bạn bè lên trang cá nhân của họ với dòng trạng thái "nhớ thương" về những món ngon Huế của những người con xa quê, những bạn bè đã có dịp đến Huế.

Hay bữa cơm của một cán bộ Hội LHPN tỉnh được thay bằng một bữa bún hến do chính tay chị nấu và được chia sẻ lên trang facebook cá nhân cũng khiến những người đã được thưởng thức hương vị bún hến phải nhớ nhung. Và có người đã để lại bình luận: "Hè này mình nhất định đưa cả nhà đến Huế, tất cả cũng chỉ vì tô bún hến của bạn đó". Một bình luận "trách yêu" nhưng chắc bất cứ ai là người Huế, hay người đang ở Huế đọc được cũng thấy tự hào, hãnh diện vô cùng về sức hút của ẩm thực xứ Huế.

Cùng đưa ẩm thực Huế vươn xa

Trong Hội thi Món ngon quê tôi, do Hội LHPN tỉnh tổ chức vào cuối tháng 5 vừa qua, có rất nhiều món ngon là đặc sản của các địa phương, như bánh quai vạc, bánh gói Hương Cần, bánh canh cá lóc; bánh xèo... Qua bàn tay khéo léo của chị em, các món ăn không những được trình bày đẹp mắt mà mỗi món ăn là một câu chuyện thú vị, gắn liền với quê hương.

Chị Trần Thanh Tâm, HVPN phường Phước Vĩnh, TP. Huế cho biết: Cũng nhờ tham gia các hội thi, hay tham quan các gian hàng do Hội LHPN tổ chức mà tôi biết thêm nhiều món ngon của các địa phương, mới thấy ẩm thực Huế phong phú, đa dạng vô cùng. Các chị em rất khéo tay, không chỉ chế biến các món ăn rất bắt mắt, mà còn có nhiều cách quảng bá ẩm thực rất thú vị, dễ nhớ, dễ tiếp thu.

Thời gian qua, hội LHPN từ cấp tỉnh đến các cơ sở hội tích cực đẩy mạnh các hoạt động quảng bá ẩm thực Huế. Bởi mỗi HVPN chính là "chủ nhân" của mỗi căn bếp gia đình. Không phải riêng các món ăn được tham gia ở các hội thi, mà bất cứ khi nào hay là trên mâm cơm mỗi ngày, chỉ cần những món ẩm thực mang đặc trưng riêng của Huế được bày biện thêm chút chỉn chu, chụp một tấm hình đẹp đăng tải lên các trang mạng xã hội cũng đã góp phần quảng bá ẩm thực Huế đến với bạn bè muôn nơi.

Bà Trần Thị Kim Loan, TUV, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh thông tin: Bên cạnh việc thường xuyên tổ chức các hội thi về ẩm thực, góp phần giới thiệu văn hóa ẩm thực Huế, bản sắc văn hóa Huế đi muôn nơi, hội LHPN các cấp còn đẩy mạnh việc giúp đỡ, quảng bá và tạo điều kiện cho HVPN vay vốn phát triển kinh tế; nhất là các hình thức khởi nghiệp liên quan đến quảng bá ẩm thực Huế. Ngoài ra, các cấp hội cũng tổ chức nhiều đợt tập huấn, giúp hội viên tiếp cận với công nghệ thông tin, cách quảng bá ẩm thực Huế trên các trang mạng xã hội...

Thanh Thảo

Theo: bao thuathienhue.vn

Tin liên quan

Chuyện bánh pháp lam
Tinh hoa Huế
Chuyện bánh pháp lam

Pháp lam là những sản phẩm được làm bằng đồng hoặc hợp kim đồng tráng men màu dùng tr...

Huế dễ thương trong lần gặp đầu tiên của cô gái Hà thành
Tinh hoa Huế
Huế dễ thương trong lần gặp đầu tiên của cô g...

Lần đầu đến Huế, cô gái trẻ rất thích thành phố nhỏ, yên bình bên sông Hương thơ mộng...

Bộ tranh trang phục cung đình Huế của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân và hành trình 120 năm lưu lạc
Tinh hoa Huế
Bộ tranh trang phục cung đình Huế của họa sĩ ...

Trong suốt ngàn năm áo mũ Việt Nam, triều Nguyễn đã ghi dấu vào nền 'văn hóa may mặc'...

Khuôn bánh trăm tuổi
Tinh hoa Huế
Khuôn bánh trăm tuổi

Chiếc khuôn đồng có điểm xỉn màu. Khuôn gỗ xuất hiện vài vết nứt xước dưới tác động c...