Dòng Hương Giang, vẻ đẹp nên thơ của xứ mộng mơ

Dòng Hương Giang, vẻ đẹp nên thơ của xứ mộng mơ

Sông Hương là niềm tự hào của mảnh đất cố đô, sở hữu nét đẹp tạo hóa ban tặng đã khiến cho bao nhiêu du khách cảm thấy nức lòng mỗi khi ghé thăm. Trên bản đồ địa lý Việt Nam, sông Hương bắt nguồn từ dãy núi Trường Sơn Đông, ven khu vực Bạch Mã hướng Tây Bắc, qua thị trấn Nam Đông sau đó hợp lại với dòng Tà Trạch dài 60km chảy theo hướng Bắc qua ngã ba Bằng Lăng.

Nơi hai dòng này gặp nhau chính là dòng sông Hương hiền hòa vang danh đất Huế. Chiều dài sông Hương lên đến 80km, đoạn dài nhất dài 30km là đoạn từ Bằng Lăng đến cửa Thuận An. Độ dốc của dòng nước không chênh lệch nhiều so với mặt nước biển nên nước chảy chậm.

Người Huế có nhiều cách giải thích vì sao dòng sông có tên là sông Hương. Có nhiều sử liệu ghi chép cẩn thận, đi ngược lên thượng nguồn còn phát hiện loài cỏ Thạch Xương Bồ có hoa thơm hòa vào nước sông. Thậm chí có nhiều huyền thoại về mùi thơm của nước sông, trong đó có một huyền thoại vọng về từ làng Thành Trung, một ngôi làng trồng rau thơm ở Huế: "Vì yêu quý con sông xinh đẹp, người dân hai bên bờ sông Hương đã nấu nước của trăm loài hoa đổ xuống dòng sông cho làn nước xanh thắm ấy mãi mãi thơm tho". Từ thời xa xưa, dòng sông Hương chảy qua rất nhiều cánh rừng có nhiều thảo mộc ngát hương thơm tự nhiên của cỏ cây hoa lá. Khi chảy đến thành phố Huế nó cũng mang theo hương thơm tự nhiên ấy tới, từ đó mới có tên gọi sông Hương. Ngoài ra sông Hương Huế còn có một số tên gọi không thông dụng khác như: sông Linh Giang, sông Hương Trà, sông Lô Dung, sông Yên Lục...

Người Huế ngưỡng vọng sông Hương như Thần Mẫu. Nhưng dòng sông hiền hòa ấy cũng có khi nổi giận. Huế cũng có những ngày cả thành phố mênh mông nước trắng. Ruốc sả, cá khô, mè đậu rang… là thức quen để đối phó với lụt. Chỉ đợi nước sông hạ xuống, chợ cá đã bày trên bến. Cá lụt là thứ các bà nội trợ mong đợi sau mấy ngày không họp chợ. Nửa bán, nửa cho để bếp nhà ai cũng thơm tho lộc sông đền bù mùa khó. Mỗi mùa lụt, con tôi xa Huế nhắc mãi món dưa hường muối chua um cá sông mẹ nấu. Ngày nay, chợ không thiếu thức gì nhưng gặp mớ tép, cá bống thệ, con cá đối còn vướng rong rêu, nghe o bán hàng lên giọng: "Cá sông Hương mới lên đó" thì đắt mấy bỏ đi cũng không đành. 

Sông Hương mang trong mình một vẻ đẹp duyên dáng như một nàng thiếu nữ mới lớn. Nước sông mang sắc xanh ngọc, trong veo, ven sông là nhiều công trình kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên đặc sắc không kém, đã góp phần không nhỏ tạo nên nét nên thơ của nó. Trên bến dưới đò, người sang kẻ khó đều được hưởng phước lộc của sông. Cây phượng già bên chân cầu Trường Tiền nở tràn như mâm xôi gấc. Triêng gióng mang theo tiếng cười chợ sớm qua cầu. Không gian trong vắt mùi hơi nước. Những con đò nhỏ gác chèo đứng lặng như mảnh trăng cuối tháng ngủ quên trong mây.

Không chỉ người Huế yêu sông, nhiều người ngoại quốc cũng lắng lòng khi ngắm con sông trôi êm giữa lòng phố thị. Có những họa sĩ người Pháp đến Huế từ những năm 1886, như họa sĩ Gaston Roullet đã vẽ hơn 200 bức tranh về sông Hương và xứ An Nam. Họa sĩ Bauchaud vẽ sông Hương từ năm 1902. Ngài Victor Tardieu thành lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và để lại tuyệt tác "Chợ bên bến sông". Biết bao tao nhân, mặc khách vương vấn một giọng hò đêm trăng, bóng con thuyền như nét vẽ gầy nhòe trên màn lụa mỏng.

UNESCO công nhận Huế là di sản thế giới với 8 hạng mục đều có hình ảnh sông Hương ở đó. Sông Hương được xem là "trục chính" trong tổ chức không gian kiến trúc và cảnh quan đô thị Huế. Chính quyền và người dân Huế luôn ý thức "ứng xử văn hóa, cẩn trọng, bảo vệ bằng được sự nguyên vẹn, thơ mộng và sang trọng của sông Hương". Người Huế làm du lịch sinh thái bên sông với những khu vườn thanh trà trĩu quả, những bãi bồi trồng rau trái xanh tươi. Những nhà máy công nghiệp, khu khai thác mỏ đá đều dời xa nguồn nước. Hàng ngàn "cư dân mặt nước" được khuyến khích lên bờ định cư. Con kè đá trắng kéo dài mấy cây số mở ra những lối đi bộ xinh xắn. Những khu nhà cao tầng lùi lại một quãng xa. Đôi bờ sông là những công viên thảm cỏ và vườn hoa bốn mùa.

Hàng năm vào các kỳ Festival, lễ hội tri ân, tôn vinh vẻ đẹp của sông, tục dâng hoa tươi, dâng trà thu hút hàng chục ngàn lượt khách tham dự. Sông Hương như tấm lụa thêu sao lộng lẫy dưới bầu trời nhung huyền ảo.

Ngài GS. Satoh Shigeru (Nhật Bản), một người dành hơn 30 năm tìm hiểu về Huế đã đưa ra ý tưởng xây dựng "Bảo tàng sinh thái lịch sử ở lưu vực sông Hương". Sinh thời, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng từng mong ước một ngày nào đó bức tượng "Nữ thần sông Hương" sẽ xuất hiện: "Bức tượng bằng đá cẩm thạch sẽ ở đó vĩnh cửu cùng với sương mù và ánh nắng mai". Phố bên sông hối hả những dòng xe. Bờ ni kinh thành phủ đệ soi bóng, bờ tê kiến trúc châu Âu quý phái mà mềm mại, dịu dàng.

Người Huế đang đặt những nét cọ cho bức tranh thành phố bên sông với từng mảng màu cẩn trọng, tinh tế, đầy cảm xúc. Mỗi khắc giờ, mỗi mùa trôi qua, dòng Hương đổi sắc dưới ánh mặt trời - màu ngọc lục bảo in bóng những tàng cây, màu lam bạc của mây thấp mùa thu, màu thiên thanh khi trời cao mùa hạ, màu phỉ thúy của trăm hoa xuôi về. Ký ức sông vẫn giữ màu áo the hai vạt của dì, của mạ trĩu gánh qua cầu, cả màu tím đượm buồn trong mắt Huế những hoàng hôn dằng dặc nhớ.

Dòng sông Hương được ví như một nét vẽ mềm mại làm cho xứ Huế càng trở nên thơ mộng và trữ tình. Du khách muốn tham quan, khám phá, ngắm dòng sông Hương thì hãy ngồi thuyền rồng và thời điểm lý tưởng là vào mùa thu hoặc mùa xuân, lúc này thời tiết ở Huế khá dễ chịu. Nếu ngồi thuyền vào một ngày nắng đẹp, thì dòng sông mang những vẻ đẹp khác nhau.

Ở mỗi thời điểm trong ngày sông Hương mang một vẻ đẹp khác nhau. Ban ngày, sông Hương mang một vẻ đẹp bình yên và thơ mộng. Dòng sông mang màu xanh ngọc bích, trong veo. Bên bờ sông là những công trình kiến trúc bao gồm đền chùa, vườn tược, rừng núi… phản chiếu xuống dòng nước êm ả. Sông Hương như một tấm lụa đào mềm mại và dịu êm trong bức tranh xứ Huế vốn đã vô cùng nên thơ.

 

Khi hoàng hôn buông xuống, mặt trời dần khuất sau những đỉnh núi cao thì ánh sáng yếu ớt còn sót lại trong ngày tỏa ra khiến cho dòng sông như được khoác lên tấm áo màu vàng cam đầy ấm áp và một màu tím nhạt đặc trưng. Phải chăng vì sự trầm mặc ấy mà người ta cho rằng hoàng hôn trên sông Hương chính là hoàng hôn buồn nhất nhưng lại đẹp nhất.

Sông Hương về đêm có những con thuyền xuôi ngược với điệu hò ngân nga, và sâu lắng. Cầu Tràng Tiền lên đèn, toả ra những ánh sáng rực rỡ, chiếu sáng một vùng sông tĩnh lặng. Bên bờ sông, những ánh đèn vàng le lói lần lượt được thắp lên. Có cơ hội đến Huế vào dịp lễ hội, bạn sẽ chứng kiến vẻ đẹp của sông Hương như được "bừng tỉnh" giữa những ánh đèn hoa đăng lấp lánh trong làn nước huyền ảo.

Mưa Huế cũng là một cái hay riêng khi ngồi bên cửa thuyền rồng, du khách sẽ thấy một Huế trầm mặc vô cùng. Sông Hương ngày mưa, phong cảnh dường như càng thêm phần mờ ảo. Đôi hàng cây xanh ngắt trên bờ, khoác thêm màu áo bàng bạc màu sữa. Cầu Trường Tiền vắng người xuôi ngược. Từ dòng Hương, Thiên Mụ dựa vào vách núi càng thêm uy nghi trầm tĩnh. Tiếng chuông chùa ngân xa, lặng yên rơi xuống dòng nước, làm cho lòng người thêm an yên thư thái, bao nhọc nhằn dường như tan biến.

Chính vì lẽ đó, từ lâu, sông Hương đã trở thành biểu tượng của nghệ thuật và văn hóa xứ Huế, là nguồn cảm hứng vô tận cho nhiều thi sĩ, nhạc sĩ viết nên nhiều tác phẩm hay, nhiều ca khúc đi vào lòng người. Có thể nói, sông Hương là "hồn cốt", là "tinh thần" của xứ Huế và là điểm đến luôn cuốn hút du khách. Ví dụ như bài hát "Tiếng sông Hương" của nhạc sĩ Phạm Đình Chương hoặc bài thơ ca ngợi sông Hương của nhà thơ Tố Hữu:

"Trên dòng Hương Giang

Em buông mái chèo

Trời trong veo

Nước trong veo

Em buông mái chèo

Trên dòng Hương Giang"

Và dòng Hương Giang cũng thấp thoáng xuất hiện trong tác phẩm để đời của nhà thơ Hàn Mặc Tử - "Đây thôn Vĩ Dạ":

"Gió theo lối gió, mây dường mây

Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay"

Sông Hương hàng năm thu hút rất đông khách du lịch đến tham quan và khám phá Huế, với những con thuyền xưa, cùng với vẻ đẹp bình dị của làng quê ven sông. Mỗi năm vào đêm rằm tháng Tám âm lịch, người dân Huế lại tổ chức lễ hội ánh sáng trên sông Hương, những con thuyền đèn sáng chói, ánh đèn phản chiếu trên mặt nước sông Hương tạo nên một không gian đầy phù phiếm và lãng mạn. Đây là một trong những lê hội đặc sắc của Huế, thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước.

Không chỉ là một dòng sông, sông Hương còn là biểu tượng của tình yêu và sự hòa hợp, với những giai điệu của tiếng nước chảy, những bức tranh tường trầm mặc. Sông Hương đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho những nhà văn, nhạc sĩ, nghệ sĩ… giữ lại những dấu ấn đậm nét của nền văn hóa Huế và của cả quê hương Việt Nam.

Du khách thường muốn trải nghiệm những khoảnh khắc thư thái nhất của cuộc sống bằng cách nghe những giai điệu ca Huế trên sóng nước sông Hương, hay đứng trên cầu Trường Tiền ngắm nhìn những gợn sóng lăn tăn trên mặt sông thơ mộng. Sông Hương mang lại nguồn thu nhập cho người dân địa phương và đó cũng là niềm tự hào của những người dân nơi đây.

Lê Huy Hoàng Hải

Tin liên quan

Cầu Trường Tiền, điểm đến không thể bỏ qua khi đến Huế
Cảnh quan
Cầu Trường Tiền, điểm đến không thể bỏ qua kh...

Cầu Tràng Tiền giữ một vai trò vị trí quan trọng và là điểm tham quan hấp dẫn trong c...

Nắng sớm trên đồi Vọng Cảnh
Cảnh quan
Nắng sớm trên đồi Vọng Cảnh

Với người Huế, hầu như không ai là không nghe, không biết đồi Vọng Cảnh- Một ngọn đồi...

Mùa Rú Chá
Cảnh quan
Mùa Rú Chá

Rú Chá được ví như một “Lá phổi xanh” của Huế, là nơi cư ngụ của nhiều loại cây ngập ...

Đến Huế, trải nghiệm trekking, cắm trại qua đêm trên đỉnh Hòn Vượn
Cảnh quan
Đến Huế, trải nghiệm trekking, cắm trại qua đ...

Trekking, cắm trại, săn mây trên đỉnh Hòn Vượn là một trong những trải nghiệm du lịch...