Cầu Trường Tiền, điểm đến không thể bỏ qua khi đến Huế

Cầu Trường Tiền, điểm đến không thể bỏ qua khi đến Huế

Cầu Tràng Tiền giữ một vai trò vị trí quan trọng và là điểm tham quan hấp dẫn trong chuyến du lịch Cố đô Huế. Những nhịp cầu cong cong soi bóng xuống dòng sông vào những ngày chói chang, lững thững thuyền trôi dưới dòng làm cho cầu thêm phần lặng lẽ, bình yên đến chi lạ.

Không chỉ là một công trình giao thông quen thuộc, Cầu Trường Tiền còn là điểm đến thu hút các tín đồ du lịch ghé qua check-in. Đây là cây cầu nằm ngay trung tâm thành phố, nối liền hai bờ sông Hương. Ngoài vẻ đẹp lãng mạn, dịu dàng, Cầu Trường Tiền còn đặc biệt bởi lối xây dựng theo phong cách phương Tây.

Cầu Tràng Tiền gồm 6 vài, mỗi vài dài 66 thước 8 tấc 5 phân (mỗi thước mộc ta bằng 0,425 mét); rộng 6 thước 2 tấc. Tổng chiều dài cây cầu là 401 thước 1 tấc. Cầu có 12 nhịp được thiết kế theo kiểu kiến trúc Gothique; mỗi nhịp có hình bán nguyệt. Các nhịp kế tiếp nhau làm thành một dải sóng đều đặn, mềm mại như làn nước sông Hương. Với kiểu kiến trúc cầu độc đáo lại ở ví trí trung tâm thành phố càng làm cho dòng Hương Giang và thành phố Huế thêm duyên dáng, thơ mộng.

Theo các nguồn tư liệu được ghi lại, Cầu Trường Tiền ban đầu được Vua Thành Thái ban lệnh xây dựng vào năm 1896. Cầu được khởi công xây dựng vào năm 1887 và hoàn thiện vào năm 1899. Lúc bấy giờ, công trình này đã được đưa vào sử dụng và mang tên vua Thành Thái. Trải qua các biến động lịch sử, Cầu Trường Tiền đã bao phen thay tên. Giai đoạn 1919 đến tháng 3 năm 1945, cầu mang tên Clémenceau, một vị tướng thời Pháp lúc bấy giờ. Sau đó, chính quyền Trần Trọng Kim đã đổi tên cầu thành Nguyễn Hoàng, một vị chúa Nguyễn đã có công khai thác vùng Thuận Hóa. Cuối cùng, cầu chính thức có tên gọi là Trường Tiền từ sau năm 1975.

Cầu Tràng Tiền ban đầu làm bằng gỗ, mặt cầu thì lát bằng ván gỗ lim. Cơn bão lớn năm 1904 đã làm 01 vài sụp xuống ngay tại chỗ, 02 vài bay xuống sông ngang chợ Đông Ba, còn 01 vài bị cuốn trôi về tận Bãi Dâu. Qua trận bão, cầu bị hư hỏng nặng. Sau 2 năm (1904 - 1906), cầu được sửa chữa lại bằng sắt và xi măng rất kiên cố. Đến năm 1938, cầu được mở rộng thêm hai bên cho khách bộ hành đi lại thuận lợi.

Trong thời kháng chiến chống Pháp, cầu bị đánh sập 02 vài để ngăn chặn bước tiến quân của giặc sang sông đánh chiếm Kinh thành Huế. Sau đó cầu được sửa chữa lại với hình dáng như cũ nhưng với 03 vài sắt hoàn toàn mới. Thời chiến tranh (1968), cầu đã bị sập 02 vài. Sau đó, cầu được Hãng Eiffel chịu trách nhiệm sửa lại để lưu thông, nhưng có 01 vài chưa được thay thế. Mãi tới năm 1990 - 1991, Công ty Cầu 1 Thăng Long tiếp tục sữa chữa lại cầu. Riêng đối với vài số 4 của cầu thì do tập đoàn Baudin Chateauneuf và hãng sơn Présiozo của Pháp tài trợ. Ngày 19/5/1995, lễ thông cầu được tổ chức trọng thể vào đúng ngày sinh nhật của Bác Hồ.

Kể từ sau Festival Huế năm 2002, Cầu Trường Tiền lại có một thay đổi mới khiến các tín đồ du lịch phải choáng ngợp. Từ thời điểm này, Cầu Trường Tiền được lắp đặt một hệ thống chiếu sáng đổi màu vô cùng hiện đại. Trong ánh sáng rực rỡ ấy, Cầu Trường Tiền ngày càng được nhiều tín đồ du lịch check-in khi đến Huế. Ngoài ra, địa danh này cũng được đưa lên màn ảnh qua bộ phim Gái Già Lắm Chiêu với cảnh quan vô cùng hiện đại, rạng rỡ.

Dẫu qua bao thăng trầm biến cố lịch sử, chiếc cầu qua dòng Hương giang này đã mấy lần "thay tên, đổi họ", nhưng dân chúng xứ Huế và khắp nơi trong cả nước đều gọi tên cầu Tràng Tiền. Cái tên thông dụng bao đời nay vẫn thấm sâu trong tâm thức của mọi người. Ngày xưa còn gọi là Trường Tiền vì vị trí cầu nằm gần sát bờ sông Hương, cạnh xưởng đúc tiền xu thời xa xưa.

Tản bộ bên phía lề dành cho người đi bộ, bạn dường như được quay lại những năm tháng lịch sử oai hùng của đất nước. Những di tích lịch sử vẫn còn hiển hiện đâu đó quanh chiếc cầu biểu tượng cho mảnh đất Cố đô này.

Cầu Trường Tiền như chiếc lược ngà cài trên mái tóc của cô gái Huế 

 Cầu Trường Tiền mơ màng trong làn mưa Huế

Nhẹ nhàng với sắc Phượng bên dòng Hương giang

Chiếc cầu lịch sử này đã bao lần bị thiên tai và chiến tranh tàn phá hư hại. Cầu đã từng chứng kiến trước bao cảnh hưng vong, thăng trầm của đất nước qua các thời đại. Cầu Tràng Tiền là thắng cảnh nổi tiếng đã đi vào thơ ca dân gian xứ Huế từ bao đời nay và là đề tài vô tận của biết bao ca khúc trữ tình, là biểu tượng của Huế xưa và nay. Cầu Trường Tiền cũng là một địa danh gắn bó với cuộc sống, tình yêu của con người nơi đây:

"Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp
Em theo không kịp, tội lắm em anh ơi!
Bấy lâu mang tiếng chịu lời
Anh có xa em đi nữa, cũng tại ông Trời nên xa"

Năm 1941, trong thời gian lưu lạc tới xứ Huế, thi sỹ Nguyễn Bính đã ví nét cong cong của nhịp cầu cùng màu sơn nhũ bạc như hình ảnh của chiếc lược ngà:

"…Cầu cong như chiếc lược ngà
Sông dài mái tóc cung nga buông hờ…"
(Vài nét Huế - Nguyễn Bính)

Những thăng trầm lịch sử của cầu Trường Tiền cũng được ghi chép lại rất nhiều bằng thi ca, âm nhạc. Năm 1946, cầu bị sập và đã có câu ca mang âm hưởng hò sông thế này:

"Cầu Trường Tiền bấy nhiêu niên (năm) qua lại,
Kể tự đời Thành Thái đến nay.
Chạnh lòng biết hỏi ai đây,
Việc chi nên nỗi đang tay dứt cầu?"

Cầu Trường Tiền là sự kết nối giữa kinh thành cổ kính, cung điện vàng son, kiến trúc trầm mặc rêu phong… ở bờ Bắc với một thành phố mới phát triển, những nhà cao tầng hiện đại, khu dân cư đông đúc đầy sức sống… ở bờ Nam. Cây cầu mảnh mai ấy là sự kết nối đầy quan trọng và ý nghĩa của lịch sử, của quá khứ - hiện tại, và là khát vọng của tương lai.

Lịch sử, vị trí và số phận cầu Trường Tiền mặc nhiên đã làm cho cây cầu mang một trọng trách và cũng là niềm tự hào. Cho dù sau này có nhiều cây cầu khác bắc qua sông Hương ở những thời điểm khác nhau, vị trí khác nhau: cầu Bạch Hổ, cầu Phú Xuân, cầu Bãi Dâu… thì cầu Trường Tiền vẫn là cây cầu đẹp nhất, tiêu biểu nhất của đất cố đô.

Có một người con xứ Huế ở phương trời xa đã nói rằng: "Trường Tiền là chiếc cầu định mệnh của Huế. Đến Huế mà chưa đứng trên cầu là chưa vô tới Huế, chỉ mới tạt qua Huế mà thôi...". Quả vậy, cố đô Huế dù có bao công trình được xếp hạng di sản văn hóa thế giới thì cầu Trường Tiền vẫn là một hình ảnh rạng ngời, tiêu biểu. Cây cầu mang dáng vóc nhẹ nhàng, mềm mại, uyển chuyển… như tâm hồn và tính cách dịu dàng, trầm lắng của người dân xứ Huế; như nét hiền hòa thơ mộng, trong trẻo của dòng Hương Giang.

Lê Huy Hoàng Hải

Tin liên quan

Rừng ngập mặn Rú Chá - Nét đẹp hoang sơ và thơ mộng của xứ Huế
Cảnh quan
Rừng ngập mặn Rú Chá - Nét đẹp hoang sơ và th...

Nếu đã một lần đặt chân đến mảnh đất cố đô Huế mộng mơ, đừng bỏ lỡ cơ hội đắm mình và...

Cửa biển Thuận An, địa danh gắn liền với dòng chảy lịch sử và sở hữu tiềm năng du lịch của xứ Huế
Cảnh quan
Cửa biển Thuận An, địa danh gắn liền với dòng...

Cửa biển Thuận An ghi dấu ấn trong sử sách từ đầu thế kỷ XV với tên gọi ban đầu là cử...

Dòng Hương Giang, vẻ đẹp nên thơ của xứ mộng mơ
Cảnh quan
Dòng Hương Giang, vẻ đẹp nên thơ của xứ mộng ...

Sông Hương là niềm tự hào của mảnh đất cố đô, sở hữu nét đẹp tạo hóa ban tặng đã khiế...

Nắng sớm trên đồi Vọng Cảnh
Cảnh quan
Nắng sớm trên đồi Vọng Cảnh

Với người Huế, hầu như không ai là không nghe, không biết đồi Vọng Cảnh- Một ngọn đồi...