Từ xa xưa, chợ hoa đã xuất hiện tại các làng nghề trồng hoa, dọc các bến sông hoặc khu vực trung tâm của các thành phố lớn. Ban đầu, đây là nơi để các nhà vườn mang sản phẩm của mình đi bán và dần dần trở thành nét văn hóa không thể thiếu. Đây là nơi diễn ra các hoạt động mua bán hoa, cây cảnh và đồ trang trí Tết. Ngoài mục đích kinh doanh, chợ hoa còn là biểu tượng của sự sống động, tươi mới, mang lại không khí Tết cho mọi nhà.
Thấy bảo, xưa Huế không có chợ hoa ngày Tết. Khoảng vài chục năm nay, chợ hoa mới xuất hiện, rồi thành lệ, “đến hẹn lại lên” vào dịp giáp Tết và đi chợ hoa trở thành thói quen của người dân Huế. Huế chưa có đường hoa “chuyên nghiệp” kiểu như con đường Nguyễn Huệ ở Sài Gòn hơn chục năm nay. Thế nhưng, cứ ngắm mà xem đoạn đường Lê Duẩn đi qua Phu Văn Lâu, hay còn được gọi là đường “Phượng bay”, những ngày giáp Tết có khác gì chợ hoa và cũng chẳng khác chi đường hoa ngày Tết của Sài Thành. Cứ tạm phân chia, chợ hoa là nơi để mua bán; còn đường hoa là chốn vui chơi, để ngắm và cảm nhận, thì hội tụ đủ cả nơi vùng Hương ngự.
Sau 20 tháng Chạp, người dân quanh vùng chở hoa bày bán dọc bờ bắc sông Hương, khu vực Nghênh Lương Đình, khu vực tiền sảnh Trung tâm VHTT tỉnh, phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, Cung An Định... hội tụ hàng trăm loài hoa, từ hoa huệ Nguyệt Biều, hoa cúc Bãi Dâu, thược dược Phú Thượng, hoa mai Dương Xuân... đến cả những giống hoa được đưa về từ xứ hoa Đà Lạt hay những vùng miền khác.
Người Huế đi chợ hoa ngoài việc để mua hay ngắm hoa còn để cảm nhận một cách rõ ràng hơn nỗi khổ của nghề trồng hoa và bán hoa Tết. Thời tiết Huế đỏng đảnh, mưa - nắng, nóng - lạnh thất thường. Người trồng hoa gặp năm trái tiết, trời làm hoa nở sớm hoặc trễ dịp Tết thì công lao, vốn liếng coi như đổ sông đổ bể.
Hoa nở đúng dịp Tết chưa chắc hứa hẹn thu lại vốn. Bởi, chỉ cần hai tuần trước Tết mà mưa lạnh liên tục thì coi như lỗ vì người đi chợ hoa giảm hẳn. Để ý nhìn những chủ hàng ngồi co ro trong mưa lạnh, lo lắng nhìn cả trăm chậu hoa đẹp mà ế ẩm của mình trong những đêm cận Tết mới thấy được phần nào cái khổ của nghề này.
Như là nét sinh hoạt văn hóa ngày xuân, người Huế những ngày tháng Chạp lại rủ nhau đi chợ hoa Tết vui chơi, mua hoa chưng trong dịp Tết. Và tôi, cũng như bao người, đi chợ hoa Tết để có thêm trải nghiệm Tết đang đến gần và mình đang đón Tết.
Đến hẹn lại lên, chợ hoa ở Phu Văn Lâu và công viên Phú Xuân những ngày này nhộn nhịp hẳn. Lan, đào, mai vàng, cúc phalê, cúc vàng, hoa ly… đua nhau khoe sắc. Những người trồng hoa và người kinh doanh hoa trên địa bàn đã vận chuyển hoa đến các “chợ hoa” để phục vụ bà con trong dịp tết cổ truyền. Bên cạnh những loại hoa truyền thống như: cúc, thược dược, vạn thọ....chợ hoa Tết năm nay cũng phong phú hơn với nhiều chủng loại được nhập về ngoại tỉnh, nhưng người chơi hoa ở Huế vẫn rất chuộng hoa có xuất xứ từ Đà Lạt bởi màu sắc đẹp và nhiều chủng loại hoa lạ.
Không chỉ có Phu Văn Lâu, chợ hoa Tết còn có ở nhiều nơi tại Huế, lớn nhất bên cạnh chợ hoa Phu Văn Lâu ở phía bắc, còn có chợ hoa ở Trung tâm Văn hóa thông tin Thừa Thiên Huế nằm trên giao lộ Hùng Vương. Còn nữa, khắp mọi nẻo đường dẫn về trung tâm thành phố Huế, đâu đâu cũng rộn ràng không khí Tết khi đủ loại hoa được bày bán từ ngõ hẻm cho đến những con đường lớn. Người Huế không lạ chi với những chợ hoa tự phát ven đường trong những ngày giáp Tết. Còn thường thấy ở một chợ hoa Tết vẫn là không khí chung náo nhiệt “kẻ mua, người bán”, dù thời điểm diễn ra chỉ trong tuần, nửa tháng hay chỉ vài ba ngày.
Khoảng một tuần nữa là đến tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các chợ hoa tại khu vực trung tâm, các tuyến đường chính ở thành phố Huế đã bắt đầu nhộn nhịp, sôi động phục vụ nhu cầu của người dân. Năm nay, do thời tiết thuận lợi nên các loại hoa đẹp, nở đúng dịp Tết và giá cả ổn định.
Dù sức mua chưa mạnh nhưng với thời tiết nắng đẹp, tạnh ráo, dự báo kéo dài đến cận tết, nhiều thương lái hy vọng việc buôn bán thuận lợi. Chiếm số lượng lớn nhất trong các lô hoa vẫn là hoa cúc vàng do nông dân Huế trồng.
Càng về sau này người ở Huế du nhập nhiều cách chơi hoa, nhiều tập tục từ các miền quê khác, từ nước ngoài, do đó bình hoa trên bàn thờ ngày tết ở nhiều gia đình giàu có, các cơ quan doanh nghiệp ăn nên làm ra thường thay hoa Mai bằng hoa Đào hoặc cả hai bằng cách chưng hẳn một cành hoặc một cây Đào, Mai khoe sắc thắm tươi, có khi thêm vài loại cây cảnh độc đáo khác tùy quan niệm và ý thích Không biết tự bao giờ, ở Huế và nhiều địa phương trong nước ưa dùng hoa Cúc vào dịp tết. Họ Cúc (có tên khoa học là Compositae hay Asteraceae) trên thế giới gồm hơn ngàn rưỡi chi, riêng ở Việt Nam cũng có hàng trăm, nhưng không phải loại cúc nào cũng được dùng để chưng ba ngày tết. Thường nhất là Cúc đại đóa màu vàng tươi, Cúc sao băng thường có màu vàng, Cúc đồng tiền với nhiều màu sắc, Cúc đỏ gốc từ Ấn Độ, Cúc móng rồng trắng, Cúc nụ hay Cúc mâm xôi (còn gọi là Cúc gấm) vàng hoặc trắng, Cúc mốc, Cúc họa mi hay Cúc baby (hoa của trẻ em) v.v, tha hồ cho bà con sắm tết.
Có rất nhiều người đến chợ chỉ để ngắm nhìn, chụp ảnh và trải nghiệm và tôi cũng là một trong những người trong số đó. Cuối năm mà không đi chợ hoa xuân thì Tết năm đó “thiếu hẳn mùa xuân”. Chợ hoa Tết còn có nhiều du khách đến từ phương xa cũng tranh thủ cùng người thân đến vui chơi và chụp hình kỷ niệm.
Tin liên quan
Trồng ngắm - chơi - ăn, hồng là loại cây ở tầng cao trong khu vườn Huế. Không mang nặ...
Huế không nhộn nhịp như các thành phố lớn, nhưng vẫn có những góc sáng rực rỡ và đầy ...
Tết đến xuân về, khắp đất trời Huế như được khoác lên mình một tấm áo mới rực rỡ. Tro...
Hình ảnh những cơn mưa ở Huế dường như đã là thương hiệu, là một đặc sản của vùng đất...