Sức hút của chợ Đông Ba không chỉ tới từ vị trí, mà phần lớn do những sản vật, món ăn, thức uống nơi này đủ đánh gục không chỉ người xa xứ mà còn cả dân xứ xa ghé một lần cho biết.
Ảnh: Hồng Hạnh
Với người xa xứ, nỗi nhớ quê bao giờ cũng hiển hiện hình ảnh cái chợ. Chợ với những hàng quán, món ăn. Chợ với hình ảnh các bà mẹ te tái xách giỏ đi tới đi lui như một ký ức khó phai. Thành ra, mỗi khi có dịp về Huế, vừa cất va li là tôi ngoắc ngay chiếc xích lô để ra chợ Đông Ba.
Lật giở mấy trang sách xưa cũ, mới nhớ ra cách đây đúng 120 năm. Lối chừng năm 1899, Đức vua Thành Thái ban lệnh cho chợ Đông Ba họp trước cửa Đông Ba. Dịch nôm lịnh vua là "đem chợ ra ngoài giại".
Cũng trong năm 1899, cầu Trường Tiền, ngay bên chợ Đông Ba, đã nên hình nên dạng. Phố Trường Tiền, chạy ngang qua Phú Văn Lâu đến chợ Đông Ba, được thành lập để đợi ngày khánh thành cây cầu dự kiến sẽ hết sức kỳ vĩ và diễm lệ của thời bấy giờ.
Món tôm chua sắp xếp đâu đó có lớp có lang
Và 120 năm qua, trải qua bao dâu bể, cho dù phố Trường Tiền đã đổi tên thành đường Trần Hưng Đạo, người dân cố cựu ở đây vẫn quen nói là “đi phố” mỗi khi có việc ra đây và ghé chợ Đông Ba.
Khi được lịnh vua ban “đem ra ngoài giại”, tại một vị trí trên bến dưới thuyền, có hai cây cầu ở ngay hai đầu chợ, đã đem đến sự phồn thịnh ngoài sức tưởng tượng cho khu chợ này. Chẳng vậy, mà từ 120 năm trước, sau khi chợ Đông Ba ra đời, thì chợ Được, bên kia cầu Gia Hội, nhóm từ đời Đức vua Gia Long lần hồi đã bị dẹp bỏ vì quá đìu hiu.
Xa xứ hay xứ xa đều mê mệt
Sức hút của chợ Đông Ba không chỉ tới từ vị trí, mà phần lớn do những sản vật, món ăn, thức uống nơi này đủ đánh gục không chỉ người xa xứ mà còn cả dân xứ xa ghé một lần cho biết.
Được coi là kinh đô Phật giáo, nên khu vực bán hàng chay luôn có sức hút lạ kỳ. Từ những mâm, những tháp bánh in, mứt bánh, cho đến những dãy gian hàng bán phổ ki, tàu hũ, nấm, đồ khô. Tới ngày rằm, ba mươi, mùng một, lại thấy những mẹt bán hoa ngọc lan, hoàng lan gói trong lá chuối đặt trang thờ, được các bà tiểu thương bày bán khắp chợ. Đi chợ những dịp này, lại nghe mùi trầm, mùi hương, mùi hoa, thiệt là lạ lùng.
Đã đi chợ Đông Ba mà không ghé các gian hàng bán ruốc, bán tôm chua thì coi như chưa đi tới chợ. Tùy theo ruốc nêm canh hay ruốc ăn sống mà sắc tím của các thau bày hàng có độ đậm lợt khác nhau. Tôm chua cũng vậy. Có người thích ăn tôm lớn, có người thích ăn tôm nhỏ. Nhưng cho dù có lớn nhỏ cỡ nào thì các tiểu thương - vốn là dân nữ công gia chánh từ máu mà ra - cũng sắp xếp đâu đó có lớp có lang. Dạ Thư, một gái Huế xa xứ khi thấy thau tôm chua đã phải thốt lên: “Bữa ni có trò xếp vòng tròn ri nữa à. Em chưa chộ (thấy - PV) nghe”. Nghi Giang, một gái Huế khác nói: “Tôm chua thời quảng bá du lịch đọ. Mấy mệ mấy o tiểu thương chợ Đông Ba chừ cũng chú ý giữ hình ảnh du lịch lắm, tuy nhiên thi thoảng độ... chua loét vẫn đâu đây. Nhưng vì mấy o, mấy mệ đất thần kinh nên có sắc sảo chút cũng đành”. Nói là nói cho vui vậy thôi, chứ đi chợ Đông Ba cứ giữ đúng phong cách: đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên thì mấy o, mấy mệ ít có nói thách, luôn xởi lởi cười nói với mình.
Trong chợ Đông Ba, có một khu dân xứ xa ít quan tâm, nhưng dân xa xứ thì luôn phải ghé. Đó là khu bán... thịt heo luộc. Thịt ba chỉ, thịt đầu, lỗ tai hay dồi trường đều để nguyên khổ dài. Con dao xắt thịt bén ngót của mấy mệ cũng dài không kém. Ăn miếng gì, mấy người ăn, cứ nói, mấy mệ thái từng miếng sắc lẹm.
Người mua nhìn là cứ bị mê hoặc, rồi cứ chỉ theo vô thức: “Mệ ơi, xắt thêm cho con miếng ni, thêm miếng lòng đi mệ. Tai heo giòn không mệ, cho con thêm mấy miếng…”. Cứ mệ ơi một hồi như vậy là từ 4 người ăn thành ra 8 người ăn không hết. Cái hay là tất cả thịt thà, bánh trái đều được các mệ gói bằng lá chuối, chỉ ai mua để đóng thùng đi sân bay mới xin bao ni lông. Thiệt là văn minh!
Sắc màu sặc sỡ nhất chợ Đông Ba phải kể tới hàng rau sau chợ, dọc theo bến sông. Mùa nào thức nấy. Mấy mẹt cá hanh, bống thệ, dìa, diếc, nâu, tôm, mực nhảy soi sói kế bên. Là người xa xứ, nên mỗi khi ra Huế là tôi lại đóng một thùng... rau dưa đem vô. Mọi người có thể nói mình cầu kỳ, làm ra vẻ. Nhưng thiệt tình là, không có rau thơm nào thơm bằng rau thơm Huế, không có kiệu nào thơm bằng kiệu Huế. Rồi thau măng, bầu, dưa hường, kiệu muối chua. Rồi bó môn ngọt cột bằng dây lạt, ốp thêm mớ lá lốt về. Rồi mấy thau vả sống, vả luộc, vả muối chua. Rồi mấy thau mít non tươi, mít non luộc...
Thiên đường mua sắm, ăn uống và sống ảo!
Thi thoảng, có người nói, chợ Đông Ba lúc này xập xệ quá. Lại có ý kiến rằng phải trùng tu xây mới lên. Trộm nghĩ, chợ thì phải... xập xệ. Cái “xập xệ” theo tiêu chí sang trọng, chói lòa của các siêu thị nó khác xa với cái “xập xệ” của chợ nói chung. Nếu đi chợ mà thỏa mãn chuyện nhìn - nhìn đâu cũng muốn mua, chuyện mua - mua gì cũng có, chuyện giao tiếp - nói chuyện chi cũng không sợ mấy bà bạn hàng... chửi, thì đối với tôi chợ Đông Ba là thiên đường! Đối với người xứ xa, mà có tâm hồn... ăn uống, mê nấu nướng, thích chụp hình sống ảo, khoái... nhiều chuyện thì chợ Đông Ba là lựa chọn số một.
Thiệt tình, muốn biết sự hưng thịnh của một vùng, muốn tìm hiểu văn hóa của một xứ, muốn hiểu tâm tính người dân địa phương, không gì bằng đi chợ. Không tin, hãy đi chợ Đông Ba một lần khi tới Huế!
Related News
Chợ Đông Ba không chỉ là trung tâm thương mại lớn nhất của Huế, mà còn là điểm đến th...
Chợ cá Vinh Hiền nằm dưới chân núi Tuý Vân, thuộc xã Vinh Hiền huyện Phú Lộc. Người d...
Chợ Đông Ba là một ngôi chợ nổi tiếng ở Huế, nếu bạn đến Huế mà không vào đây mua vài...