Kim Long, chuyện đất và người

Kim Long, chuyện đất và người

Với địa thế phong thủy cát tường, Kim Long từng là thủ phủ của Đàng Trong suốt hơn nửa thế kỷ.

Kim Long được nhắc đến ở đây là vùng đất Kim Long hay làng Kim Long trước đây. Kim Long hay còn gọi là Kim Luông, được hình thành cách đây khoảng 400 năm, là kết quả của việc mở rộng và tách ra từ làng Hà Khê. Năm 1636, chúa Nguyễn Phúc Lan dời thủ phủ về Kim Long và nơi đây trở thành trung tâm hành chính, quân sự đất Đàng Trong một thời. Vương nghiệp của vị chúa này và con trai của ông là chúa Nguyễn Phúc Tần gắn với đất Kim Long. Nhà truyền giáo Alexandre De Rhodes nhận định thủ phủ Kim Long những năm 1640-1645 mang sắc thái văn hóa của người Việt thế kỷ 17, được đánh giá như một “thành phố lớn” có dân cư đông đúc, nhà cửa, phố xá, chợ búa, bến nước. Năm 1687, thủ phủ của chúa Nguyễn chuyển về Phú Xuân. 

Theo tài liệu của Alexandre De Rhodes, vào 2/1645, ở Kim Long diễn ra lễ đón tiếp những người Tây Ban Nha, tham dự có Chúa Thượng, phu nhân, các vị quan lớn và 4000 lính. Những đội cận vệ bảo vệ chúa, mỗi người cầm một thanh đao gắn chuôi bằng bạc, mặc áo nhung màu tím, thắt đai vàng ngang bụng. Chúa Thượng mời những người trong đoàn theo kiểu cách cung đình. Yến tiệc bày biện lộng lẫy, các vũ nữ biểu diễn các điệu múa điêu luyện. Trời sập tối, chúa ra lệnh thắp đuốc sáng rực cả phủ. Chúa cho diễu binh trên bộ với khoảng 6000 binh lính và dân chúng tham gia. Cùng lúc đó, dưới nước diễn ra cuộc tập trận với 20 chiến thuyền lướt như bay trên sông Hương.


Sơ đồ Thủ phủ Kim Long thế kỷ 17. Ảnh: Tư liệu

Trấn phía Tây Kim Long là đồi Hà Khê "với tháp Phước Duyên, bảy tầng ngất ngưỡng như chọc thủng trời xanh để đưa xuống những nguồn phúc lộc...". "Bên kia hữu ngạn là đồi Long Thọ có những đặc tính nhiệm màu...vì nó án ngữ nguồn chảy của sông Hương, tưởng như đang gối đầu lên dòng nước và nghiêng nghiêng đối diện với đồi Thiên Mụ tạo thành một thế phong thủy gọi là cánh cửa thông thiên và trục xe địa phủ", thế núi "khóa giữ thượng lưu sông Hương...là kiểu đồi “thiên quan địa trục”, nghĩa là trổ cửa lên trời, là trục xoay của các vùng đất" (Đại Nam nhất thống chí).

Nhà nghiên cứu Phan Thuận An nhận định: “thủ phủ của chúa Nguyễn tọa lạc tại vùng đất từ chợ Kim Long lên đến gần làng Xuân Hòa đã được sông ngòi bao bọc cả 4 bề: trước mặt là sông Hương, bên trái là sông Kim Long, bên phải và phía sau là sông Bạch Yến”. Chúng không chỉ tạo nên vẻ đẹp trữ tình của vùng đất này mà còn tạo nên địa thế “tứ thủy triều quy” cho Kim Long.

Dòng sông Kim Long thơ mộng.

Với địa thế phong thủy cát tường như thế, Kim Long còn là nơi có phủ thờ các đời chúa và nhiều dinh thự của các quan lại. Thời triều Nguyễn, đất Kim Long được ban cho các bậc thân vương, đại thần xây cất phủ đệ. Suốt mấy trăm năm, vùng đất này chỉ dành cho giới quý tộc, quan lại. Ở Kim Long có phủ thờ của Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng, phủ thờ Diên Phước trưởng công chúa, dinh thự của Thượng thư bộ Lễ Phạm Hữu Điền, từ đường thờ song thân của phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết. Đất Kim Long còn có phủ của Vĩnh quốc công Nguyễn Hữu Độ, phủ Quy quốc công thờ ông ngoại vua Gia Long, phủ Ấn Quan của thái tử Thiếu bảo Đoàn Văn Trường, phủ thờ Tả quân Lê Văn Duyệt.

Phủ thờ Đức Quốc Công.

Phủ thờ công chúa  Trưởng Diên Phước

Vùng Kim Long còn nổi bật với những khu nhà vườn mang đậm hồn Huế như Nhà An Hiên, các ngôi nhà ở khu Phú Mộng,… vốn là nơi sinh sống của giới quý tộc, quan lại. Trong vườn, các loại thực vật rất phong phú như cây ăn trái, cây thuốc, các loại rau, hoa,… Nhà vườn Kim Long có nhiều giống cây ăn quả như măng cụt, thanh long, nhãn, đào, bưởi, thanh trà, cam, quýt, hồng, dâu đất, mít,… 

Nhà vườn An Hiên 

Nói về vùng đất Kim Long không thể không nhắc đến vẻ đẹp mỹ miều của con gái nơi đây và huyền thoại về mối tình của vua Thành Thái hơn 100 năm trướcVì vậy, mà có câu ca dao: 

“Kim Long gái đẹp mỹ miều
Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều, trẫm đi”

Giai thoại kể rằng: Vua Thành Thái tìm khắp làng nhưng không gặp ai vừa ý. Khi ra bến đò để hồi cung, nhà vua cảm mến o lái đò. Vua hỏi: “Nì, o tê! O có muốn lấy vua không?”. Cô lái đò nói: “Đừng có bậy bạ mà họ lấy đầu chừ!”. Vua nói tiếp: “Tui nói thiệt đó, o có muốn lấy vua thì tui làm mối cho!”… Không lâu sau đó, cô gái lái đò Kim Long ấy vô Đại Nội, làm quý phi của vua Thành Thái. Có tài liệu nói rằng, không có cô lái đò nào cả, đó là Nguyễn Hữu Thị Nga, con út của Vĩnh Quốc Công Nguyễn Hữu Độ.

Người đẹp Du lịch  Huế Ngọc Trân hóa thân cô gái Huế xưa ở nhà vườn An Hiên. Ảnh: HHT

Mối tình của vua Duy Tân và bà Mai Thị Vàng, con gái của ông Mai Khắc Đôn. Trong một lần dạo chơi, ông gặp nhóm thiếu nữ, trong đó có Mai Thị Vàng. Nét đẹp của cô gái thu hút nhà vua ngay cái nhìn đầu tiên. Hôm sau, nhà vua ngỏ ý với ông Mai Khắc Đôn rồi mời hai bà có uy tín trong triều đình cùng một số thiếu nữ lên thăm và xem mặt Mai Thị Vàng. Đám cưới được tổ chức trong năm 1916, diễn ra suốt một tuần lễ. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, vùng đất này vẫn mang trong mình chất riêng về đất và người với thương hiệu Kim Long.

Phan Đình Vũ

Tin liên quan

Lầu Tàng Thơ - Thư viện cổ lưu trữ tài liệu quốc gia thời Nguyễn
Di sản Huế
Lầu Tàng Thơ - Thư viện cổ lưu trữ tài liệu q...

Tên chính thức của công trình kiến trúc này là Tàng Thư Lâu (Lầu chứa sách). Đây là m...

Châu Hương Viên đã trở thành di tích cấp tỉnh
Di sản Huế
Châu Hương Viên đã trở thành di tích cấp tỉnh

Châu Hương Viên, tư thất của danh nhân Ưng Bình tại xã Phú Thượng (huyện Phú Vang, Th...

Về Phước Tích
Di sản Huế
Về Phước Tích

Về Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền) mùa này, bạn sẽ được thong dong tản bộ, đạp ...

Rực rỡ sen Cố đô
Di sản Huế
Rực rỡ sen Cố đô

Tháng 4 đến, cùng với cái nắng nóng kéo dài đặc trưng của Huế cũng là thời điểm những...