Độc đáo tranh dân gian làng Sình xứ Huế

Độc đáo tranh dân gian làng Sình xứ Huế

Dòng tranh dân gian nổi tiếng ở đất Cố đô suốt mấy trăm năm nay. Cho đến thời điểm hiện tại, làng nghề làm tranh Làng Sình vẫn giữ được nét văn hóa dân gian độc đáo.

Làng Sình nằm ven bờ sông Hương, tại thôn Lại Ân, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang ( cách thành phố Huế khoảng 10km về phía Đông), tỉnh TT Huế. Đây là vùng đất nổi tiếng, trung tâm văn hóa của Cố đô Huế, với một số dấu ấn di tích xưa.

Tại Cố Đô Huế nói chung, đây là dòng tranh phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng của người dân xứ Huế suốt bao đời nay. Vào các dịp cúng bái, lễ tết, nó thường xuyên xuất hiện. Theo phong tục, sau khi cúng thì đem đi đốt, hóa cho ông bà, tổ tiên.

Gian hàng trưng bày tranh làng Sình.

Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước cho biết: “ Trước đây, tranh làng Sình có nhiều đặc điểm giống với dòng tranh Đông Hồ, nhưng để phù hợp với nhu cầu tín ngưỡng trong các lễ cầu an, giải hạn, vì thế nên các nghệ nhân đã sáng tạo, chế ra những bản khắc hình vẽ khác. Thế nên, tranh làng Sình mới nổi danh là dòng tranh thờ cúng”.


Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước đang say mê làm tranh. ( Ảnh: Khám phá Huế)

Tại gian hàng, cũng là nơi để vẽ nên những bức tranh.

Nhìn về dòng lịch sử hình thành, cho đến thời điểm hiện tại,  tranh làng Sình đã mang lại “những đặc trưng tiêu biểu cho loại hình hội họa dân gian của một vùng đất”. Vì vậy, nó cũng chứa đựng trong đó những giá trị không thể phủ nhận.

Sự mộc mạc, đơn giản thể hiện qua những bức tranh.

Tranh làng Sình được làm thủ công hoàn toàn. Để có được một bức tranh hoàn chỉnh, nghệ nhân phải trải qua 7 công đoạn chính gồm: xén giấy, quét điệp, in tranh trên mộc bản, phơi tranh, pha màu, tô màu và điểm nhãn. Một công đoạn quan trọng tạo nên nét độc đáo nữa chính là giấy dó được quét điệp cho dai, giữ màu. Vỏ điệp được người dân nhập từ phá Tam Giang về, sau đó tỉ mỉ nghiền nát, trộn đều với lớp bột gạo thành một lớp mịn để quét lên giấy. Loại giấy được dùng để vẽ tranh làng Sình được sản xuất thủ công từ những cây dó. Đây là loại giấy thường được dùng cho vẽ tranh trong mỹ thuật dân gian Việt Nam, với ưu điểm nổi bật nhất là độ bền theo thời gian.

Những dụng cụ để vẽ nên bức tranh làng Sình.

Mỗi bức tranh là một bản mộc gỗ, nghệ nhân phải dùng mực đen để phết lên bản mộc, rồi dùng giấy in thành một bức tranh thô. Chờ ngày nắng, hay trời hanh khô thì đem tranh phơi cho khô mực, sau đó tỉ mỉ dùng các loại màu tô lên tranh, nên mỗi bức tranh đều có một màu sắc đặc trưng khác nhau. Nét độc đáo mà tranh làng Sình có được chính là màu sắc đa dạng, như màu đỏ (từ nước lá bàng); màu đen ( từ tro rơm, tro lá cây...); màu tím (màu của hạt mồng tơi); màu vàng (lá đung giã với búp hoa hòe)... Kết hợp với bố cục chặt chẽ, cùng đường nét tự nhiên.

Phải có rất nhiều dụng vụ, trải qua nhiều công đoạn.

Bản mộc, đã tạo hình con vật.

Tranh làng Sình đa dạng hệ thống các chủ đề khác nhau. Có thể chia tranh làng Sình thành ba nhóm chính: tranh nhân vật, tranh súc vật và tranh đồ vật. Mỗi thể loại đều có một đặc trưng, nét độc đáo riêng biệt và mục đích sử dụng khác nhau. Ngày nay, do nhu cầu hiện đại, tranh làng Sình đã có thêm nhiều nội dung khác nhằm mục đích trang trí, treo tường. Những bức tranh trang trí và tranh bát âm ra đời đã làm phong phú thêm cho tranh làng Sình, đây là dòng sản phẩm được nhiều du khách ưa chuộng nhất. Cụ thể, đó là các bức tranh về hội vật với các thế ngồi, nằm đứng…; hay hình ảnh bát âm gồm nhị, nguyệt, trống, sáo, đàn bầu, tỳ bà, đàn tranh.


Những bức tranh chủ đề về lễ hội.

Rất nhiều tranh về nhiều chủ đề khác nhau.

Chị Nguyễn Hòa, du khách đến từ Cần Thơ chia sẻ: " Đây là lần đầu tiên mình thấy nhiều tranh làng Sình như vậy, được tận mắt xem từng công đoạn làm nên những bức tranh là điều rất thú vị. Hơn thế nữa, mình còn được tham gia trải nghiệm trực tiếp làm tranh, mình đã có sản phẩm ý nghĩa riêng cho mình sau chuyến tham quan này".

Nghệ nhân đang hướng dẫn, thuyết trình về những bức tranh.

Du khách đến xem tranh làng Sình.

Cứ mỗi độ Festival, hay các dịp lễ Tết, nghề làm tranh làng Sình lại thêm phần sôi động, rộn ràng, chuẩn bị cho du khách đến tham quan. Ngày nay, để tăng thêm tiềm năng về du lịch truyền thống, du khách có thể giao lưu, trải nghiệm thú vị bằng cách tự tô màu vào những bản vẽ thô đã có sẵn. Trải qua hàng trăm năm, tranh làng Sình vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống riêng có và khẳng định vị thế của mình trong dòng tranh Việt Nam. 

Mặc dù không còn được ưa chuộng nhiều so với dòng tranh khác, nhưng bằng sự thay đổi mới mẻ, phù hợp với thị hiếu của thị trường ngày nay, tranh làng Sình sẽ giữ mãi được bản sắc truyền thống cổ xưa mà cha ông ta để lại.

Tấn Nhật

Tin liên quan

Đa dạng Nón lá Huế
Làng nghề
Đa dạng Nón lá Huế

Huế nổi tiếng với các loại nón lá, đặc biệt là nón bài thơ, một biểu tượng văn hóa gắ...

Nghề làm tượng ông Táo thờ cúng ở Huế
Làng nghề
Nghề làm tượng ông Táo thờ cúng ở Huế

Vào những ngày tháng Chạp, tại làng Địa Linh (phường Hương Vinh, thành phố Huế) lại n...

Một số làng nghề nổi tiếng ở Huế
Làng nghề
Một số làng nghề nổi tiếng ở Huế

Với bề dày lịch sử gần 400 năm, Thừa Thiên Huế đã hình thành nên một hệ thống các làn...

Khám phá nghề làm lọng cung đình Huế
Làng nghề
Khám phá nghề làm lọng cung đình Huế

Huế là vùng đất giàu tín ngưỡng, coi trọng đời sống tâm linh, luôn đề cao sự uy nghi,...