Văn Thánh Huế - Nơi lưu giữ dấu ấn các bậc kỳ tài cố đô

Văn Thánh Huế - Nơi lưu giữ dấu ấn các bậc kỳ tài cố đô

Nếu ở Hà Nội, bạn đã quá quen thuộc với sự nổi tiếng của Văn Miếu Quốc Tử Giám, thì ở Huế cũng có một Văn Miếu với tuổi đời hàng trăm năm như thế. Cả hai đều là nơi lưu giữ những nét đẹp lịch sử, là nơi ghi dấu, làm rạng danh những con người tài ba, tri thức ở thời xưa. Nhưng vấn đề ở trăm năm sau, Văn Miếu Quốc Tử Giám và Văn Thánh Huế lại có sự khác biệt rất nhiều.

Quốc Tử Giám đang là một địa điểm nổi tiếng, mỗi năm có đến hàng nghìn, hàng triệu lượt người ở khắp mọi nơi ghé thăm. Chưa kể vào mùa thi cử, sĩ tử cả nước đổ về Quốc Tử Giám để cầu nguyện, vuốt đầu rùa lấy may. Trong khi đó, Văn Thánh (Huế) lại "buồn bã", một mình nó trầm ngâm và lặng lẽ trôi đi theo năm tháng.

Văn Thánh Miếu hay còn gọi là Văn Miếu Huế được xây dựng tại Cố đô Huế. Khi các chúa Nguyễn mở mang khai phá phương Nam, Văn Miếu được thiết lập ở Phú Xuân, tại làng Triều Sơn và được xem như Văn Miếu riêng của Đàng Trong, nhưng không rõ thời điểm xây dựng. Đến năm Canh Dần (tức năm 1770 dưới triều của Định Vương Nguyễn Phúc Khoát), Văn Miếu được dời đến xã Long Hồ. Đến thời nhà vua Gia Long, Văn Miếu được xây dựng lại, ngôi miếu cũ được giữ lại để làm Khải Thánh Từ, tức miếu thờ cha mẹ của Khổng Tử.

Việc xây dựng Văn Miếu được tiến hành từ ngày 17/4 đến ngày 18/9/1808, vua Gia Long ra lệnh làm các đồ tự khí mới để thờ, thay thế các đồ cũ và tượng thánh hiền được thay bằng bài vị bằng gỗ còn gọi linh vị, mộc chủ, thần chủ để thờ. Vua buộc tất cả các địa phương thờ Khổng Tử bằng hình tượng đều phải thay thế bằng bài vị mộc chủ, còn các tượng thì phải lựa chọn nơi sạch sẽ chôn đi. Đây là một cách nhìn khá đặc biệt của triều Nguyễn. Họ cho rằng thờ bằng hình tượng là thiếu trang trọng, thiếu lễ độ đối với người đã khuất, cho nên ngay cả bàn thờ các vua Nguyễn cũng không hề thờ bằng hình tượng.

Mặt tiền Văn Miếu quay về hướng Nam, trên một ngọn đồi thuộc Phường Hương Long, thành phố Huế. Các công trình kiến trúc chính đều xây trên mặt bằng ngọn đồi cao gần 3m so với nền đất xung quanh. Trước mặt là sông Hương, phía sau là làng mạc, núi đồi. Các công trình của Văn Miếu được xây dựng trong mặt bằng hình vuông mỗi cạnh chừng 160m, xung quanh có xây la thành bao bọc.

Văn Miếu xây dựng trên khu đất rộng khoảng 3 ha gồm: Điện Đại Thành (Điện chính thờ Khổng Tử, Tứ phối và Thập nhị triết), hai nhà Đông Vu và Tây Vu (Thờ các tiên nho), Hữu Văn Đường và Di lễ đường (Vua quan nghỉ sửa soạn lể phục trước khi vào tế, miếu thổ công, Thần phù (Nhà bếp), Thần khố (Nhà kho). Các tòa nhà đều được xây dựng bằng gỗ lim và các vật liệu đắt giá khác. Bố cục kiến trúc, trang hoàng và trang trí nội ngoại thất đều mang tính đăng đối uy nghi, văn vẻ.

Từ bến thuyền ở bờ sông đến tòa miếu phải đi qua 3 cửa: Linh Tinh Môn, Văn Miếu Môn và Đại Thành Môn. Khu vực trung tâm trước điện Đại Thành có hai tấm bia ngự chế của vua Minh Mạng (Ghi lại huấn dụ của Vua nghiêm cấm không cho hạng Thái giám tham dự chính sự "Cung giám bất đắc liệt tấn thân") và vua Thiệu Trị (Ghi huấn dụ của vua cấm ngoại thích tham gia chính quyền "Ngoại thích bất đắc thân chính"). Hai hàng bia đá Tiến sĩ gồm 32 tấm bia ghi danh 293 tiến sĩ của khoa thi bắt đầu từ năm 1822 triều vua Minh Mạng và cuối cùng năm 1919 triều vua Khải Định. Không những thế khi vào bên trong bạn cũng sẽ được nhìn thấy tấm bia “Khuynh cái hạ mã”. Hàng năm vào mùa xuân và mùa Thu triều đình tổ chức lễ tế ở đây. Nhà Nguyễn xếp lễ tế Văn Miếu vào hàng trung tự.

Văn Thánh miếu Huế là một di tích lịch sử vô cùng quý giá giúp chúng ta hiểu thêm về truyền thống hiếu học, chuộng nhân tài của đất nước Việt Nam

Di tích Văn Miếu là một trong những công trình tiêu biểu trong Quần thể kiến trúc Cố đô Huế - Di sản Văn hóa thế giới. Vì nhiều lý do, công trình đang trong tình trạng tổn thất nặng. Các công trình gỗ, bao gồm ngôi điện chính, chỉ còn lại nền móng. Là một vùng đất có truyền thống hiếu học, việc đầu tư tu bổ phục hồi di tích Văn Miếu là rất cần thiết, nhằm tưởng nhớ đến những danh nhân đã góp phần xây dựng đất nước dưới triều Nguyễn, đồng thời góp phần tôn vinh, cổ vũ tinh thần hiếu học của dân tộc Việt Nam nói chung và người dân Thành phố Huế nói riêng.

Tại Kỳ họp chuyên đề lần thứ 7, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế  (trước đây) khóa VIII đã quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Tu bổ, tôn tạo và phục hồi thích nghi Di tích Văn Miếu” giai đoạn 1. Việc đầu tư nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa thế giới. Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 65,9 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước, dự kiến triển khai trong 3 năm. Dự án này sẽ phục hồi thích nghi toàn bộ công trình Văn Miếu chính điện rộng 830m2. Phục hồi hệ tường móng xây gạch và các bậc cấp, cân chỉnh hệ thống chân táng đá Thanh hiện trạng, mặt nền hoàn thiện lát gạch Bát Tràng men… Dự án này còn tu bổ, phục hồi sân miếu, Đại Thành môn, Kim Thanh môn, Ngọc Chấn môn, Văn Miếu môn cùng hạ tầng kỹ thuật liên quan. Sau khi phục dựng thành công di tích, công trình sẽ góp phần làm phong phú thêm cho di sản kiến trúc Cố đô Huế nói chung và cụm di tích từ khu vực Kim Long - chùa Thiên Mụ - Văn Miếu nói riêng.

Văn Miếu Huế đang dần dần được khôi phục nguyên trạng và giờ đây đã trở thành điểm check in ưa thích của du khách trong và ngoài nước. Mùa thi các bạn trẻ cũng hay ghé địa danh này với mong muốn lấy được sự tự tin và may mắn.

Bạn nào đã có dịp đến thăm ngôi miếu Văn Thánh này, thì hẳn sẽ hiểu rõ, nhớ rất kỹ những vẻ đẹp hiện đang tồn tại quanh nó. Toàn bộ ngôi miếu được bao quanh bằng những kiến trúc cổ, rêu phong, nhưng tuyệt đẹp. Cây cối, đồng cỏ xanh mướt lay động ở bốn phía, càng khiến những người từng đặt chân đến đây trở nên khó quên hơn bao giờ hết.

Toàn cảnh Văn Thánh miếu nhìn từ trên cao

Lê Huy Hoàng Hải

Tin liên quan

Ngắm một Châu Âu trên đỉnh Bạch Mã
Khám phá Huế
Ngắm một Châu Âu trên đỉnh Bạch Mã

Khu vực đỉnh Bạch Mã đang vào mùa đẹp nhất khi đỗ quyên trắng bung nở, khoe sắc cùng ...

Phố cảng Thanh Hà - Bao Vinh trung tâm thương mại Phú Xuân - Huế thế kỷ XVII-XVIII-XIX
Khám phá Huế
Phố cảng Thanh Hà - Bao Vinh trung tâm thương...

Cố đô Huế không chỉ nổi tiếng với những cung điện nguy nga, lăng tẩm cổ kính hay nhữn...

Đồi Vọng Cảnh trong nắng xuân, điểm check in hấp dẫn khách du lịch trong những ngày đầu năm
Khám phá Huế
Đồi Vọng Cảnh trong nắng xuân, điểm check in ...

Nằm cách trung tâm TP. Huế chỉ hơn 5km, đồi Vọng Cảnh nằm ngay khúc uốn đẹp nhất của ...

Hai điểm chụp ảnh Tết tại Huế thu hút nhiều người dân và du khách
Khám phá Huế
Hai điểm chụp ảnh Tết tại Huế thu hút nhiều n...

Có thể thấy, việc chụp ảnh Tết sớm đã trở thành một trào lưu được giới trẻ hưởng ứng ...