Triều Nguyễn và “quái vật than đá”

Triều Nguyễn và “quái vật than đá”

Cuốn “Kể chuyện vua quan nhà Nguyễn” của cụ Phạm Khắc Hòe từ sau khi xuất bản được nhiều người tìm đọc, bởi tác giả từng là Đổng lý Ngự tiền Văn phòng, là người soạn thảo “chiếu thoái vị” của vua Bảo Đại. Sách viết nhiều chuyện hay, nhưng cũng có chuyện chưa chính xác, như chuyện vua quan nhà Nguyễn thấy than đá thì cho đó là quái vật.

Bìa cuốn “Kể chuyện vua quan nhà Nguyễn” của cụ Phạm Khắc Hòe. Ảnh: TL

Cụ kể, khoảng năm 1851, “Một hôm quan đầu tỉnh Quảng Yên cho mang về Kinh một khối đá màu đen, kèm theo một tờ trình nói rằng: “Bọn thổ dân trong khi đào một cái mương rất sâu, thấy có nhiều lớp đá màu đen, đem về đẽo làm vua bếp để thổi nấu, thì thấy phát lửa cháy thành ngọn rất đượm. Nhiều người cho rằng, đó là một thứ đá kỳ quái, có thể báo điềm gì chăng, nên phải lập tức đệ trình cấp trên xét”. Vua Tự Đức cho họp triều thần hỏi ý kiến, thì có mấy vị đại thần tâu đó là quái vật xin cho làm lễ nhương trừ để ngăn tai họa cho đất nước. Hôm đó, Vũ Duy Thanh ốm không vào họp được, sau nghe chuyện vội vào chầu, xin cho xem viên đá. Vừa trông thấy đá, ông tâu ngay rằng: đá này chỉ là một vật tầm thường, không phải yêu quái gì cả… Chẳng những đá ấy không phải là quái vật cần trừ đi mà còn là vật hữu ích, nên tìm cách lợi dụng. Đốt cháy được là có thể dùng thay than củi…”.

Theo lời kể của cụ Phạm Khắc Hòe thì vào năm 1851, cả triều đình thời Tự Đức mà chỉ có một mình ông quan Vũ Duy Thanh biết đến than đá thì đúng là đáng trách. Nhưng câu chuyện đó có điều chưa đúng lắm.

Thực tế, nhà Nguyễn đã chú ý khai thác các mỏ khoáng sản từ sớm. Sau khi lên ngôi, tháng 10/1802, vua Gia Long đã ban chỉ dụ cho “mở mỏ vàng, mỏ bạc, mỏ kẽm, mỏ đồng ở Tuyên Quang và Hưng Hóa”. Đến tháng 12/1819, cho khai mỏ kẽm tại Hải Dương. Đến đời Minh Mạng, năm 1821, đã khai thác được 10.000 cân đồng, vua sai đúc 3 súng lớn đặt tên là “Bảo quốc an dân Đại tướng quân”. Tháng 8/2003, bộ súng này được phát hiện bởi các ngư dân xã Cẩm Linh, huyện Cẩm Xuyên và xã Thạch Kim, huyện Thạch Hà trong một con tàu cổ bị đắm ở vùng biển Hà Tĩnh.

Riêng việc khai thác than đá, sách “Quốc triều chính biên toát yếu chép”: “Tổng đốc An Hải là Tôn Thất Bật dâng sớ xin thuê dân đào lấy mỏ than (núi Đông Triều và An Lãng có mỏ than, khi trước bộ tư lấy 100.000 cân chở về kinh)…”.

Sách “Đại Nam thực lục” ghi cụ thể việc tháng 12 năm Kỷ Hợi (1839) như sau: “Tổng đốc Hải Yên là Tôn Thất Bật dâng sớ xin thuê mướn dân đào lấy than mỏ (núi An Lãnh ở Đông Triều sản xuất than mỏ. Trước đây, bộ tư đào lấy 10 vạn cân, đến kỳ tải, đưa nộp về kinh). Vua phê bảo: “Nhân dân hạt ngươi mới được hồi lại yên vui, sao nỡ đem việc không cần kíp làm mệt nhọc người ta, chậm chậm lại cũng chưa muộn gì”. Bật tâu nói: dân hạt ấy sau khi xảy ra gặp tai hại riêng, lại bị luôn vụ mùa tổn thất, đời sống có nhiều khó khăn, chúng đều tình nguyện đi làm thuê trông vào tiền công để nuôi thân. Vua bèn cho làm”.

10 vạn cân than chở về Kinh, theo nhiều tài liệu cho biết, thì để dùng trong luyện kim, đúc tiền, rèn vũ khí… Như vậy ít ra trước năm 1839, quan dân ở kinh đô cũng đã biết than đá là gì rồi. Khó có chuyện đến thời Tự Đức mới chỉ có ông Vũ Duy Thanh có biết đến than đá.

Bản dụ của vua Minh Mạng đồng ý cho Tôn Thất Bật khai thác mỏ than, khi được tìm thấy đã cho phép xác nhận mốc ra đời chính thức, mở ra ngành khai thác than và khoáng sản ở Việt Nam vốn tưởng chỉ mới được phát hiện và khai thác bởi người Pháp. Ngày ra bản dụ về sau được lấy làm ngày chính thức khai sinh ra ngành. Đồng thời, người ra bản dụ - vua Minh Mạng cũng được tôn thờ là người có công khai sáng - ông Tổ ngành.

Tài liệu của Sở Công nghiệp Quảng Ninh cũng cho biết, dưới thời Tự Đức, vua đã cho dịch một tài liệu có tên là “Khai môi yếu pháp”, (Phương pháp khai thác than đá) để phổ biến cho những người làm mỏ. Trong thời gian này đã cho khai thác mỏ than Mạo Khê – Đông Triều.

Liên quan đến lịch sử khai thác than đá của Việt Nam. Đầu năm 1883, khi nghe tin triều đình nhà Nguyễn có có ý nhượng quyền khai thác khu mỏ than Hòn Gai cho một công ty người Hoa ở Quảng Đông và công ty này có thể nhượng lại cho người Anh nên sau khi đánh chiếm Bắc Kỳ, ngày 12/3/1883, Henri Rivière - Trung tá Hải quân Pháp liền đem quân đánh chiếm Quảng Yên, chiếm lấy mỏ than Hòn Gai rồi đặt đồn binh canh giữ gồm 25 binh sĩ. Một năm sau, ngày 24/1/1884, triều đình bán khu vực Hòn Gấc (Hòn Gai – Cẩm Phả) cho tư bản Pháp và sau đó hàng loạt các cuộc nhượng bán mỏ cho Pháp diễn ra. Trong đó, công ty Pháp Mỏ than Bắc Kỳ (gọi tắt là S.F.C.T) có quy mô lớn nhất và tồn tại ở Quảng Ninh lâu nhất.

Thời hạn chuyển nhượng với Pháp là 100 năm, tính từ ngày ký. Sau khi mua được quyền khai thác than ở Quảng Yên (gồm Hòn Gai, Cẩm Phả), tư bản Pháp đã sang nhượng lại cho các công ty của nước ngoài và một số doanh nghiệp, tư nhân của Việt Nam khai thác. Năm 1890, sản lượng khai thác than của tư bản Pháp ở Hòn Gai là 3.000 tấn, năm 1900 lên 201 nghìn tấn, năm 1930 là 1,9 triệu tấn. Tính từ năm 1890 đến 1945, sản lượng cao nhất là năm 1939 đạt 2,6 triệu tấn. Năm 1911, toàn khu mỏ có 8.223 công nhân, năm 1939 tăng lên 55 nghìn công nhân và đến năm 1945 giảm còn 4.000 công nhân.

 

       

ĐẶNG NGỌC NGUYÊN

Theo: baothuathienhue.vn

Tin liên quan

Để áo dài Huế tỏa sáng như vốn đã từng
Bài viết về văn hóa Huế
Để áo dài Huế tỏa sáng như vốn đã từng

Thời gian gần đây, không khó bắt gặp hình ảnh nhiều du khách đến Huế khoác lên mình t...

Tết Huế của mạ
Bài viết về văn hóa Huế
Tết Huế của mạ

Phong vị Tết được tạo nên từ khí thiêng nghìn đời của quê hương xứ sở, với bao chắt c...

Biển & làng biển xứ Huế
Bài viết về văn hóa Huế
Biển & làng biển xứ Huế

Dân gian còn lưu lại bài vè “Nhật trình đi vô” nhắc đến một số địa danh dọc bờ biển x...

Kể câu chuyện về Huế thông qua gốm cổ
Bài viết về văn hóa Huế
Kể câu chuyện về Huế thông qua gốm cổ

Kể những câu chuyện thú vị về dòng sông Hương và mảnh đất xứ Huế đậm dấu ấn văn hóa t...