Trường Quốc Học Huế thành lập theo chỉ dụ của vua Thành Thái, ban đầu được giao cho quan đại thần Ngô Đình Khả (cha của Ngô Đình Diệm) làm trưởng giáo (sau gọi là hiệu trưởng), được Toàn quyền Đông Dương ký quyết định ngày 18 tháng 11 năm 1896.
Ngôi trường này có nhiều tên qua nhiều thời kỳ, ban đầu tên là École Primaire Supérieure (tức Trường Cao đẳng Tiểu học), nhưng thường gọi là Quốc Học (1896-1936), sau đổi thành Trường Trung học Khải Định (1936-1954), rồi Trường Trung học Ngô Đình Diệm (1955-1956), và được trở về với tên gốc vào năm 1956 cho đến nay.
Tên lúc mới thành lập là “Pháp tự Quốc học Trường môn”, đến nay vẫn còn bảng ghi tên đó được lưu tại nhà lưu niệm của trường. Quốc Học là trường Trung học đệ Nhất cấp đầu tiên ở Huế. Ngay từ lúc sáng lập, giáo trình được dạy bằng tiếng Việt cùng với tiếng Pháp. Quốc Học được xây dựng trên nền của Dinh Thủy sư (nơi huấn luyện binh lính đường thủy của quân đội triều Nguyễn).
Địa điểm của trường nằm xoay ra đường Jules Ferry (sau năm 1955 là đường Lê Lợi). Công trình kiến trúc được xây dựng theo kiểu Pháp vào cuối đầu thế kỷ 19.
Về hoàn cảnh lịch sử của việc thành lập ngôi trường nổi tiếng này, từ khoảng giữa thập niên 1890, dưới thời vua Thành Thái, trước thực tế chính quyền do người Pháp nắm giữ, nhận thấy chính quyền An Nam không những phải làm việc với Pháp qua thông ngôn mà chính quan lại của triều đình cũng phải biết tiếng Pháp, để không những để làm việc với Pháp mà còn để học văn minh văn hóa Tây phương, vừa góp phần canh tân đất nước vừa có thể bảo vệ được quyền lợi của Việt Nam. Do đó, triều đình Thành Thái chủ trương bãi bỏ trường Hành Nhân (trường dạy tiếng Pháp lập từ thười vua Đồng Khánh) để mở một trường học quốc gia tại Huế để cho người Việt Nam được học văn minh văn hóa phương Tây, lấy tên là Pháp tự Quốc Học trường, thường gọi là trường Quốc Học.
Bảng hiệu cổng trường Quốc Học
Chủ trương này của triều đình Huế được Pháp đồng ý và Toàn quyền Đông Dương ký nghị định ngày 18-11-1896, cho thành lập một trường Pháp – Việt ở Huế, gọi là trường Quốc Học Huế.
Việc dạy và việc học của trường Quốc Học được nói rõ trong sắc dụ của vua Thành Thái ngày 23-10-1896 như sau: “Lại năm ấy (Thành Thái thứ thứ tám) nghị đặt trường Quốc Học, chuyên dạy chữ và nói tiếng Pháp nhưng vẫn không nên bỏ chữ Hán. Học trò từ 15 tuổi đến 20 tuổi mới được vào học. Người nào xét ra am hiểu chữ Hán, có thể theo học được thì cho phép được vào học. Trẻ con từ tám đến mười lăm tuổi trở xuống, cha mẹ có đơn xin cho vào học thì đặt vào lớp học trò ngoại ngạch, đặt riêng ra một lớp để dạy học. Viên chức ở trường này, đặt một, hai, ba, bốn hạng chưởng giáo, mỗi hạng một giáo chức. Một giáo viên dạy học trò trẻ con, hai viên giám thị. Viên chưởng giáo đối hàm quan lại Việt Nam, được quyền chuyên giữ các việc tư báo. Sinh viên học tập, lúc sát hạch được trúng cử, sẽ tuân lệ ban thưởng cho”. (Đại Nam điển lệ: bộ Lễ. Bản dịch của Nguyễn Sĩ Giác, viện Đại học Sg.1962).
Trong đạo dụ ngày 23-11-1896, vua Thành Thái đã nói rõ hơn về cần thiết của việc cải tổ giáo dục như sau: “Nay ngoài những thánh kinh, hiền truyện của Trung Hoa, lại còn nhiều sách trước tác ở các nước khác và trách nhiệm của người đại diện phát ngôn trong khi giao thiệp trên đường quốc tế rất là quan trọng. Vả lại phát triển giáo dục là phương tiện duy nhất để mở mang trí thức, để đào tạo đầy đủ tài năng hầu giải quyết những vấn đề chính sự và hành chính và điều hòa giáo dục đúng phương pháp, lại là phương tiện để khai thông dân trí, đào tạo nhân tài. Trong tình hình hiện tại không thể xem thường những nhận xét trên đây được, bởi vì nước ta việc giáo huấn theo sách vở Khổng giáo từ trường Quốc Tử giám ở Kinh đô đến các trường công ở tỉnh, phủ, huyện lỵ, tuy rất phổ cập và hoàn toàn nhưng việc giảng của các môn học Tây phương đến nay vẫn còn thiếu sót nên cần phải bổ cứu”. (Trích lại của đặc san Ái hữu Quốc Học, số 1, Huế 1970 tr.7 – 8).
Thực hiện chủ trương của triều Thành Thái, viện Cơ Mật ủy cho các ông Trương Như Cương (bộ Hộ), Huỳnh Vỹ (bộ Lễ) và Ngô Đình Khả (Thương biện Cơ Mật) lo việc thành lập trường Quốc Học. Trong cuộc họp giữa Nam triều và tòa Khâm sứ Huế diễn ra vào ngày 28-8-1896, nhất trí dành cho toàn quyền Đông Dương bổ nhiệm vị chưởng giáo của trường Quốc Học. Trong tờ trình ngày 6-11-1896 gửi toàn quyền Đông Dương, Khâm sứ Trung kỳ Ernest Brière với sự nhất trí của Khâm mạng Nguyễn Thân (người đứng đầu viện Cơ Mật), đề cử viên Thái Thường tự khanh Ngô Đình Khả vào chức chưởng giáo trường Quốc Học. Toàn quyền Đông Dương đồng ý. Để giúp cho ông Ngô Đình Khả, phía chính phủ Bảo hộ cử ông Dieudonnat làm phó chưởng giáo. Nhưng hai năm sau (1898), theo dự ngày 30-4-1898 tổ chức lại nhân sự của trường Quốc Học, một quyết định của toàn quyền Đông Dương cử ông Nordeman làm chưởng giáo (directeur) và ông Ngô Đình Khả xuống làm phó chưởng giáo (sous directeur).
Báo cáo Khâm sứ Trung Kỳ gởi Toàn quyền Đông Dương ngày 6/11/1896. về việc đề cử ông Ngô Đình Khả làm Hiệu trưởng đầu tiên của trường Quốc Học mới được thành lập ở Huế
Theo Phó bảng Nguyễn Văn Mại, năm 1897, ông Ngô Đình Khả còn làm quản giáo dạy chữ Pháp, trong lúc đó ông Mại làm quản giáo dạy chữ Hán. Khóa đầu tiên ra trường vào năm 1899. (Trong những học sinh đầu tiên ấy sau hai mươi năm tốt nghiệp đã được giữ lại làm giáo viên cho trường như các ông Ưng Dự, Hồ Đắc Hàm).
Trường sở ban đầu của trường Quốc Học được Đại Nam nhất thống chí đời Duy Tân (1913), tập Kinh sơ, ghi rằng: Trường Quốc Học ở nơi công thổ tả doanh Thủy sư, dựng năm Thành Thái thứ tám, có một tòa đốc giáo đường ba gian hai chái, ba tòa cư trú của các viên trợ giáo (mỗi tòa đều ba gian), năm thứ 10 (1898) lại làm thêm hai dãy trường ốc (dãy trước 30 gian, dãy sau 16 gian) để làm chỗ dạy tập học. Sau đốc giáo đường lại làm nhà vuông bốn mặt. Tú vị đều xây la thành, mặt trước xây môn lầu hai tầng, tầng trên có tấm bảng khắc sáu chữ Pháp tự Quốc Học trường môn, son đỏ thếp vàng, dựng năm Thành Thái thứ chín (1897) ” (Bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo, Nhà Văn Hóa Bộ QGGD, Sg.1960, tr.80 -81).
Từ năm 1898, nhiều vị cử nhân, phó bảng, tiến sĩ muốn bổ đi làm quan đều phải vào trường Quốc Học (Ban quan viên tử đệ) để học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp. Hầu hết các vị phó bảng và tiến sĩ khoa thi Hội và thi Đình năm Tân Sửu (1901), trong đó có các cụ Ngô Đức Kế, Nguyễn Viết Song, Phan Châu Trinh… đều đã học thêm tại Quốc Học. Lớp Quan viên tử đệ tốt nghiệp ra trường có các ông Đào Nguyên Phổ, Phạm Liệu, Nguyễn Tự Dư, Nguyễn Đình Hiến, Kỳ Ngoại hầu Cường Để, Ưng Dinh, Ưng Bình, Tôn Thất Quảng, Bùi Hữu Hưu, Bùi Hữu Thứ, Nguyễn Trọng Tịnh, Đặng Văn Huớng, Đặng Văn Oánh, Hồ Đắc Hàm, Ưng Dự, Chiêm Thiết…
Danh sách nhân sự trường Quốc Học Huế ngày 11/5/1898 và 7/2/1900. Lúc này ông Ngô Đình Khả làm phó hiệu trường, dưới quyền một hiệu trường người Pháp. Từ lúc này trường Quốc Học được người Pháp kiếm soát hoàn toàn
Theo tài liệu lưu trữ của Pháp, từ năm 1897 đến năm 1903, đã có 436 học sinh tốt nghiệp, 93 người có việc làm, trong số đó có 10 hậu bổ. Năm 1905, hai học sinh khác là Phan Châu Trinh và Đào Nguyên Phổ được báo cáo là có việc làm: Phó bảng Phan Châu Trinh làm Hành tẩu bộ Lễ và Đào Nguyên Phổ phụ trách phần chữ Hán của Đại Việt tân báo.
Chương trình học cả chữ Pháp, chữ Quốc ngữ và chữ Hán, đều do thầy người Việt dạy. Sau hai năm thì Pháp giành lấy và dần dần biến trường Quốc Học thành một cơ sở giáo dục quan trọng của Pháp ở Trung kỳ từ cuối thế kỷ 19 cho đến ngày Nhật đảo chính Pháp 9-3-1945. Quốc Học là một trường học của thực dân Pháp nhưng nhiều giáo sư người Pháp và người Việt của trường không có đầu óc thực dân. Do đó, trong lúc thanh niên Việt Nam chưa có điều kiện du học, họ thi vào trường Quốc Học, lợi dụng phương tiện của thực dân để mở mang kiến thức hiện đại trở thành người hữu ích cho xã hội Việt Nam.
Một số hình ảnh trường Quốc Học 100 năm trước:
Các thời kỳ của trường Quốc Học:
Pháp tự Quốc học Đường (1896-1915): Lúc mới lập, trường có tên là Pháp tự Quốc học Đường với mục đích giảng dạy tiếng Pháp, chữ Quốc ngữ và chữ Nho ở bậc tiểu học. Trưởng giáo đầu tiên tức hiệu trưởng là Ngô Đình Khả; phụ tá trưởng giáo là Nguyễn Văn Mại.
Collège Quốc học (1915-1936): Khi chuyển thành trường trung học với bốn lớp đệ thất (lớp 6), đệ lục (lớp 7), đệ ngũ (lớp 8), và đệ tứ (lớp 9) thì trường cũng đổi tên thành Collège Quốc học. Cũng vào thời điểm đó những tòa nhà dùng làm trường sở được xây cất lại bằng gạch ngói.
Lycée Khải Định (1936-1955): Năm 1936, trường mở rộng và thêm các lớp đệ Tam (lớp 10), đệ Nhị (lớp 11), và đệ Nhất (lớp 12) dưới tên Lycée Khải Định.
Trường Trung học Ngô Đình Diệm (1955-1956): Sang thời Đệ Nhất Cộng hòa Việt Nam, trường mang tên tổng thống Ngô Đình Diệm nhưng chỉ được một năm thì đổi lại tên cũ là Quốc Học nhân kỷ niệm 60 năm thành lập trường.
___
Phụ lục: Chỉ dụ của vua Thành Thái và nghị định của Toàn quyền Đông Dương về việc thành lập trường:
Trường Quốc học được thành lập theo Dụ ngày 17 tháng 9 năm Thành Thái thứ 8 (ngày 23 tháng 10 năm 1896) và Nghị định ngày 18 tháng 11 năm 1896 của Toàn quyền Đông Dương A. Rousseau.
1. Dụ ngày 17 tháng 9 năm Thành Thái thứ 8 về việc thành lập Trường Quốc học Huế
“Nguyễn Thân, Nguyễn Thuật, Trương Như Cương, Hồ Đệ và Phạm Phú Lâm phụng chỉ ban Dụ:
Phát triển giáo dục là phương tiện duy nhất giúp các nho sinh nắm bắt kiến thức để giải quyết những vấn đề của triều đình và chính quyền, tính cân đối của việc dạy lí thuyết sẽ góp phần giáo dục tư tưởng và đào tạo bậc hiền tài. Mới đây, Hội đồng Cơ mật trình lên trẫm bản tấu, trong đó có thoả thuận chung giữa các ngài Toàn quyền Đông Dương, Phó nam vương, Khâm sứ Trung Kì, Hộ nam công về việc thành lập một trường dạy tiếng Pháp.
Một hội đồng do ngài Basset, Phó Khâm sứ Trung Kì – thư kí đặc biệt của ngài Khâm sứ và ngài Bouyeure, Phó đại biện Bộ Nội vụ cùng thành viên là Ganter, Thượng Thư Bộ Hộ Trương Như Cương, Thượng Thư Bộ Lễ Huỳnh Vĩ và Thương Biền Ngô Đình Khả được giao nghiên cứu về điều kiện tổ chức và hoạt động của trường này. Trẫm đã xem bản tấu của Hội đồng Cơ mật, kết luận của Hội đồng phù hợp với các điều luật của triều đình. Nay trẫm ban Dụ rằng:
Quyết định thành lập một trường dạy tiếng Pháp mang tên Trường Quốc học, tại đây việc giảng dạy chính là tiếng Pháp và có giảng dạy chữ Hán.
Con của hoàng thân, vương công (công tử) và thanh niên dòng dõi hoàng tộc, con của các quan lại (ấm tử), học sinh Trường Quốc Tử Giám cũng như học sinh trường chính quy mở tại thủ phủ các tỉnh, nếu có nguyện vọng sẽ được nhận vào học và có quyền hưởng trợ cấp, miễn là đáp ứng yêu cầu về trình độ học vấn, tuổi từ 13 đến 20.
Các trường hợp quá tuổi quy định vẫn được nhận vào trường nếu có khả năng nổi trội về học vấn.
Học sinh Trường Hạnh Nhân cũng như con nhà thường dân nếu có trí tuệ và đủ năng lực về chữ Hán được công nhận có khả năng theo học sẽ được nhận vào Trường Quốc học Huế.
Những bậc phụ huynh có con nhỏ tuổi từ 8-13 có thể cho con theo học với sự đồng ý của trưởng giáo. Đội ngũ giáo viên của trường gồm: 1 trưởng giáo, 4 đốc giáo ở các hạng khác nhau và 1 đốc giáo phụ trách lớp sơ đẳng. Họ hưởng trợ cấp theo quy định của Hội đồng. Hai giám thị của trường được hưởng lương nhưng không có trợ cấp giống như thư kí và nhân viên bảo vệ.
Trưởng giáo Trường Quốc học Huế do Toàn quyền Đông Dương bổ dụng, theo đề nghị của Khâm sứ Trung Kì, sau khi có ý kiến chấp thuận của Hội đồng Cơ mật. Trưởng giáo được trực tiếp liên hệ với Khâm sứ, Hội đồng Cơ mật và Thượng thư.
Khi bổ dụng đốc giáo, Hội đồng Cơ mật sẽ bàn bạc với Khâm sứ và một hội đồng được thành lập để đánh giá năng lực và khả năng của ứng viên. Nhân sự giảng dạy lưu trú tại trường. Bộ Lại chịu trách nhiệm bổ nhiệm chức thư kí và bảo vệ trường.
Triều đình thanh toán mọi chi phí về nhân sự và thiết bị: xây phòng học, nhà ở cho nhân viên, lương, thưởng, trợ cấp.
Nội quy trường học, sĩ số học sinh, trợ cấp, thời gian học, thời gian tổ chức thi tuyển, quyền lợi được hưởng đối với các chức danh khác dành cho học sinh tốt nghiệp trường do trưởng giáo quyết định. Sau khi xem xét, Hội đồng Cơ mật sẽ trình dự thảo lên Khâm sứ phê chuẩn và được chuẩn y bằng Dụ.
Khâm sứ giữ quyền giám sát tối cao khi điều hành công việc. Muốn mối quan hệ giữa hai chính phủ phát triển thuận lợi, trưởng giáo và đốc giáo cần tuân thủ nghiêm ngặt nội quy của trường, nỗ lực động viên nho sinh tích cực học tiếng Pháp và chữ Hán để sau này giúp ích cho đất nước và đáp ứng yêu cầu của công việc chung. Nay trẫm ban Dụ thành lập Trường Quốc học dành cho giáo dục và phát triển trí tuệ của nho sinh.
Dụ này được chuyển tới Toàn quyền, người chịu trách nhiệm bổ dụng Trưởng giáo và phê chuẩn các quy định chung liên quan đến Trường Quốc học. Thông qua Khâm sứ, trẫm sẽ chỉ định một ủy ban khảo thí sát hạch ứng viên thi tuyển vào chức danh đốc giáo.
Dấu của Trường Quốc học đúc bằng đồng theo mẫu dấu của Trường Quốc Tử Giám. Dấu lớn khắc “Quốc học trường quan phòng” bằng chữ Hán và dấu kiềm khắc “Quốc học” bằng chữ Hán”.
2. Nghị định ngày 18 tháng 11 năm 1896 của Toàn quyền Đông Dương quyết định thành lập Trường Quốc học Huế
Nghị định gồm 15 điều, trong đó có: “
Điều 1. Quyết định thành lập Trường Quốc học Huế dưới sự giám sát tối cao của Khâm sứ Trung Kì. Tiếng Pháp là ngôn ngữ chính dùng để giảng dạy trong nhà trường. Chữ Hán được sử dụng song song với tiếng Pháp.
Điều 2. Bãi bỏ Trường Hạnh Nhân và thay bằng Trường Quốc học.
Điều 3. Học sinh tuyển vào trường là các cựu học sinh Trường Quốc Tử Giám và Trường Hạnh Nhân cũ, tuổi từ 15 đến 20, trừ trường hợp quy định tại điều 6.
Điều 4. Những đối tượng được nhận vào học tại Trường Quốc học Huế bao gồm:
– Công tử [con của các hoàng thân];
– Tôn sinh [các thanh niên thuộc dòng dõi hoàng tộc];
– Ấm tử [con của quan lại trong triều];
– Học sinh Trường Hạnh Nhân;
– Học sinh Trường Quốc Tử Giám.
Học sinh thuộc diện trên được hưởng trợ cấp hoặc học bổng từ triều đình An-nam theo quy định.
Điều 5. Mọi nho sinh bản xứ sau khi đỗ kì thi sát hạch ban đầu, đủ trình độ chữ Hán để tiếp thu bài giảng có thể theo học tại trường.
Điều 6. Trẻ từ 8 đến 15 tuổi có quyền học ngoại trú tại một lớp học đặc biệt. Phụ huynh muốn cho con theo học phải có sự nhất trí của trưởng giáo.
Điều 7. Đội ngũ đốc giáo của trường gồm: 1 trưởng giáo; 1 đốc giáo hạng 1; 1 đốc giáo hạng 2; 1 đốc giáo hạng 3; 1 đốc giáo hạng 4; 1 đốc giáo phụ đạo; 2 giám thị.
Điều 8. Trưởng giáo do Toàn quyền bổ nhiệm, theo đề nghị của Khâm sứ Trung Kì được thông qua trước Hội đồng Cơ mật. Trưởng giáo xếp vào hàng quan lại và trực tiếp liên hệ với Khâm sứ, Hội đồng Cơ mật và Thượng thư các bộ trong triều.
Điều 9. Đốc giáo chỉ được tuyển dụng sau khi đỗ kì thi sát hạch năng lực trước một Hội đồng thi do Khâm sứ Trung Kì bổ nhiệm.
Điều 10. Ngoài tiền lương, hàng tháng, trưởng giáo và đốc giáo Trường Quốc học Huế còn hưởng trợ cấp chức vụ như sau: Trưởng giáo: 50 đồng bạc Đông Dương Đốc giáo hạng nhất: 25 đồng bạc Đông Dương Đốc giáo hạng nhì: 20 đồng bạc Đông Dương Đốc giáo hạng ba: 15 đồng bạc Đông Dương Đốc giáo hạng tư: 10 đồng bạc Đông Dương Đốc giáo phụ trách lớp Sơ đẳng: 10 đồng bạc Đông Dương
Điều 11. Trưởng giáo và đốc giáo ăn nghỉ tại trường.
Điều 13. Ở kì thi tốt nghiệp, những nho sinh đạt điểm xuất sắc hưởng các đặc quyền theo chế độ quy định tại Dụ của Vua ngày 17-9 năm Thành Thái thứ 8.
Điều 14. Mọi chi phí liên quan đến nhân sự, trang thiết bị, thi công và trùng tu nhà cửa đều do triều đình An-nam đảm nhiệm”.
____
Ở đối diện cổng trường Quốc Học, bên kia đường, bên bờ sông Hương, là một tấm bia được xây năm 1921, ban đầu là Bia tưởng niệm chiến sĩ trận vong của Pháp. Vì nó nằm đối diện trường Quốc Học nên từ đó cho đến nay vẫn được người dân gọi là Bia Quốc Học:
Hình ảnh khánh thành bia tưởng niệm, có vua Khải Định, Toàn quyền Sarraut, Thống chế Joffre
Related News
Hoàng gia triều Nguyễn sống trong Tử Cấm Thành. Khu vực này có khoảng 50 công trình, ...
Trường Quốc Học Huế là một trong những di tích lịch sử văn hóa đặc biệt của Cố đô Huế...
Nhắc tới trường nữ sinh Đồng Khánh ở Huế xưa là nhắc đến những thiếu nữ con nhà quyền...
Hai cung nữ ở Tử cấm thành, hồ nước ở lăng vua Minh Mạng, nội thất của lăng Khải Định...