Sáng 22/1 (23 tháng chạp âm lịch), Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tổ chức lễ dựng nêu (Thướng Tiêu) tại Triệu Miếu, Thế Miếu.
Theo quan niệm truyền thống dân gian ở Việt Nam, việc dựng cây nêu ngày Tết với ý nghĩa để xua đuổi ma quỷ và những điều không may trong năm cũ, cầu mong một năm mới bình an, tốt lành. Trong “Sự tích cây nêu ngày Tết” đại ý kể rằng do quỷ chèn ép người, hàng năm đều thu hết hoa lợi do con người trồng cấy, Phật thấy vậy bèn giúp người trừ quỷ. Phật bảo người trồng cây nêu dùng một cây tre thật cao), Phật treo chiếc áo cà sa lên đầu ngọn cây và thỏa thuận với quỷ rằng bóng áo phủ đến đâu sẽ là đất do con người quản lý và thu hoạch hoa lợi, phần còn lại thuộc về quỷ. Quỷ đồng ý, Phật dùng thần thông cho bóng chiếc áo phủ khắp mặt đất khiến quỷ không còn chỗ trú thân và bị đuổi ra biển Đông. Tuy nhiên, hàng năm chúng vẫn quay về đất liền để tìm tổ tiên và kiếm ăn. Để tránh bị chúng quấy nhiễu, con người bèn dựng cây nêu trên ngọn treo miếng vải, sau đổi thành lá bùa và chiếc khánh bằng đất nung khi gió rung tạo ra tiếng động để xua đuổi quỷ. Trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, việc dựng nêu và treo các vật phẩm trên ngọn cây có nhiều hình thức khác nhau, tùy theo phong tục và tập quán của từng nơi. Thậm chí việc dựng cây nêu không chỉ có vào ngày Tết mà còn có thể ở một số lễ hội dân gian. Tuy nhiên cây nêu vẫn chủ yếu được dựng lên vào ngày Tết Nguyên đán như một phong tục truyền thống phổ biến ở khắp mọi miền của đất nước.
Một trong những nghi lễ cung đình ở Kinh đô Huế thời xưa, lễ Dựng nêu hay còn gọi Thướng tiêu là một nghi thức đặc biệt để kết thúc một năm cũ, chuẩn bị để đón một mùa xuân mới, cũng là một hiệu lệnh để người dân được biết Xuân đã về và chỉ khi cây nêu ở Thế Tổ Miếu được dựng lên thì người dân xung quanh mới có thể bắt đầu dựng nêu. Theo điểu lệ của Triều Nguyễn lễ dựng nêu là khởi đầu dịp nghỉ Tết của toàn bộ triểu đình, thời vua Minh mạng quy định bắt đầu từ ngày 25 tháng Chạp thì ngừng tiếp nhận văn thư, cất ấn tín (quan bửu) và làm lễ dựng nêu. Lễ dựng nêu đầu tiên là ở trước điện Thái Hòa trong Hoàng cung do đích thân nhà vua chủ trì, sau đó các hoàng thân, hoàng tử đi làm lễ tương tự tại các miếu thờ, đàn tế, lăng tẩm tổ tiên... mục đích ban đầu của dựng nêu là để mừng ngày Tết, rồi sau đó cúng những thần linh để phù hộ cho gia quyến được bình an, cầu tổ tiên phù hộ cho con cháu. Triều đình dựng nêu cũng là để cầu cho mưa thuận gió hóa, cho muôn dân làm ăn thuận lợi.
Những nghi lễ cổ xưa được tái hiện lại trong cung vua
Theo truyền thống nghi lễ của triều Nguyễn, cây nêu được dựng trước dinh phủ, đình chùa, trước Điện Thái Hoà và các miếu trong Đại Nội. Để chuẩn bị cho nghi lễ này, triều đình phải cho chọn lựa sẵn nhưng cây tre thật dài và thẳng, khi chặt hạ, róc cành thì vẫn giữ lại một chùm cành lá xanh ở phía ngọn. Tại chỗ này người ta đan một cái móc hình 4 dọc 5 ngang (gọi là cái lung tung). Sau khu làm lễ cúng thần linh, chủ lễ sẽ cho buộc chiếc giỏ đan bằng tre (hoặc mây) trong đựng giấy tiền, cau trầu, bùa đào (ghi tên thần linh) ngoài việc ghi tên vị thần, còn treo câu đối Tết điển hình là câu: “Tân niên nạp dư khánh/ Gia tiết hiệu trường xuân” (Năm mới thừa chuyện vui/Tiết đẹp xuân còn mãi), cùng bút mực, ấn tín lên ngọn, rồi dựng cây nêu lên sao cho thật thẳng, đầu ngọn nêu có dải phướn bằng lục đỏ buông dài để luôn phất phơ trong gió
Cây nêu được giữ nguyên vậy cho đến ngày mùng bảy tháng Giêng thì triều đình tổ chức lễ Há tiêu (hạ nêu), rồi khai ấn, bắt đầu một năm làm việc mới. Đó cũng là nghi thức chấm dứt kỳ nghỉ lễ kéo dài gần hai tuần...
Nghi lễ Thướng tiêu được Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tái hiện lần đầu tiên vào năm 2013. Từ đó trở đi đây trở thành một truyền thống không thể thiếu ở Khu Di sản Huế khi bắt đầu một cái Tết cổ truyền, Lễ Thướng tiêu thường được tổ chức vào ngày 23 tháng Chạp tại Thế Miếu từ 9h sáng. Đây thực sự đã trở thành một lễ hội đặc sắc dành được sự quan tâm hưởng ứng của đông đảo du khách và người dân địa phương.
Nghi thức rước nêu bắt đầu từ cửa Hiển Nhơn với 10 người lính trong trang phục chỉnh tề vác cây nêu. Đội rước nêu khởi hành trong âm thanh của Tiểu nhạc tiến vào Hoàng cung, đến cửa chính của khu vực Thế Miếu và tiến hành nghi thức dựng nêu. Tại Thế Miếu, hương án được soạn bày với các lễ phẩm cùng đoàn bồi tự và đội đại nhạc sẵn sàng. Các nghi thức dựng nêu lần lượt gồm lễ bái, nghinh thần, khánh hạ được cử hành trong âm thanh trang nghiêm của Nhã nhạc cung đình. Sau phần lễ, 10 người lính vác nêu tiến hành dựng nêu lên báo hiệu ngày Tết đã đến trong hoàng cung.
Nét đặc biệt của lễ dựng nêu tại Hoàng cung Huế là luôn gắn liền với đại nhạc, tiểu nhạc (âm nhạc cung đình Việt Nam) và với các nghi thức rất trang trọng. Khi cây nêu được dựng lên, đầu ngọn nêu bao giờ cũng có treo ấn, tín, văn phòng tứ bảo, biểu trưng của việc phong ấn để triều đình nghỉ ngơi (từ 23 tháng Chạp đến mồng 7 tháng Giêng). Dưới triều Nguyễn, khi thấy trong cung dựng cây nêu, toàn thể nhân dân theo đó đồng loạt dựng nêu và bắt đầu đón Tết.
Từ xa xưa cây nêu đã đi vào tâm thức người Việt và trở thành một phần gắn liền với Tết truyền thống như “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/Nêu cao tràng pháo bánh chưng xanh”. Ở cố đô Huế việc phục dựng lại lễ Dựng nêu trong Hoàng cung đã tạo ra một hiệu ứng tích cực, không chỉ là việc khôi phục một nét đẹp văn hóa truyền thống mà còn góp phần làm phong phú các hoạt động ngày Tết, lôi cuốn sự tham gia của du khách và cộng đồng người dân địa phương. Ảnh hưởng của hoạt đồng này đã lan tỏa ngày càng rộng khắp, một số chùa chiền, làng xã xung quanh khu vực Huế đã khôi phục lại lễ dựng nêu ngày Tết, khiến không khí xuân ở xứ Huế ngày càng thêm gần gũi và ấm áp.
Du khách và người dân đến với di tích cố đô Huế những ngày này nhiều địa chỉ văn hóa của Huế cũng đã phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống này bằng nghi thức dựng nêu được tổ chức trang trọng.
Tin liên quan
Thông tin từ lãnh đạo UBND quận Thuận Hóa, TP. Huế cho biết, linh vật rắn năm nay hiệ...
Trong không khí nao nức đón tết cổ truyền, sáng 22/1, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô...
Vào chiều ngày 19/1/2025, Lễ Khai mạc Ngày hội Hoàng Mai Huế lần thứ III đã được tổ c...
Chương trình Tết Huế, Tết đoàn kết,… nằm trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng Xuân...