Du Lịch Nam Đông - Tiềm năng chưa được đánh thức

Du Lịch Nam Đông - Tiềm năng chưa được đánh thức

Nam Đông là một huyện nằm ở phía tây tỉnh Thừa Thiên Huế với diện tích khoảng 650,5 km². Địa hình huyện đa dạng với núi non, sông suối và rừng rậm, dân số chủ yếu là người dân tộc thiểu số, sống dựa vào nông nghiệp và công nghiệp gỗ.

Nam Đông cách TP. Huế khoảng 50 km về phía Tây. Nam Đông được du khách yêu thích khi đến du lịch Huế. Là huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên Huế với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nhiều địa danh như thác Mơ, thác Kazan, thác Phướn, thác Trượt... cùng những nét văn hoá đặc sắc của đồng bào các dân tộc Tà ôi, Pa cô, Vân Kiều... Nam Đông đang ngày càng hấp dẫn du khách, tạo điều kiện cho loại hình du lịch sinh thái và cộng đồng phát triển.

Cung đường tuyệt đẹp nối Quốc Lộ 1A lên Nam Đông

Không như ở thành thố ồn ào, xô bồ, du lịch sinh thái ở Nam Đông thật yên bình song những tiềm năng ấy vẫn chưa được đánh thức. Không gian lắng đọng, khung cảnh tươi đẹp và gần như còn hoang sơ. Điều này tạo sức hấp dẫn lớn với những du khách thích trải nghiệm, khám phá. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là lượng khách vẫn còn ít, trung bình mỗi tháng chỉ đón được khoảng hai đoàn khách lớn, còn lại là những đoàn khách lẻ. Vì thế, thu nhập của người dân chưa được ổn định. Tiềm năng du lịch của Nam Đông rất lớn, đặc biệt là du lịch sinh thái và cộng đồng. Ngoài thác Mơ và thôn Dỗi là hai điểm đã thu hút được du khách thì còn rất nhiều điểm lý tưởng để phát triển du lịch: thác Phướng (xã Hương Phú); thác Trời, đập Tràn (xã Hương Giang); hang Dơi (xã Thượng Quảng)…

Để đến Đập Tràn, bạn đi theo đường QL 1A, tới ngã ba La Sơn rẽ phải lên Nam Đông, con đường từ đây lên Nam Đông khá đẹp và bằng phẳng. Lên tới Thị Trấn Khe Tre đi thêm 3km nữa, bạn vừa đi vừa hỏi người dân đường tới chợ Nam Đông, đoạn này khá xấu vì đường đang làm. Từ chợ đi thẳng thêm 2km nữa dọc theo con mương nước chảy sau đó thấy cây cầu cuối cùng bắt qua con mương rẽ trái đi vào một đoạn bạn sẽ thấy Đập Tràn hiện lên với một vẻ đẹp không tưởng.

Vườn Cam Nam Đông, một đặc sản khi du khách nên thưởng thức khi đến vùng đất này

Người dân vừa là người phục vụ vừa là chủ thể của sản phẩm du lịch

Du khách thích thú với những sản phẩm thổ cẩm của người dân tộc 

Dệt Dèng một nghề truyền thống của dân tộc Tà Ôi có từ lâu đời và là một sản phẩm văn hóa hết sức độc đáo từ thời xa xưa, được truyền từ đời này sang đời khác

Sợi dệt truyền thống được sử dụng là sợi bông, khai thác từ thiên nhiên để tạo sợi và các màu sắc vàng, đen, xanh cho quá trình dệt cũng như tạo hoa văn. Nét độc đáo riêng biệt của kỹ thuật dệt Dèng là người thợ dệt đưa các hạt cườm trực tiếp vào sản phẩm để tạo nên hoa văn, không chỉ tạo bằng chỉ màu như dệt vải thổ cẩm ở những nơi khác.

Đến với Nam Đông du khách cũng được hoà mình với thiên nhiên hoang sơ, đến với đại ngàn cùng tiếng thác nước và những chàng trai dân tộc hào sảng

Nghề truyền thống đan lát ở huyện Nam Đông đã có hàng trăm năm nay. Người dân ở đây, đặc biệt là đồng bào Cơ Tu, ai cũng đều giỏi vót nan, đan lát. Đời này nối tiếp đời kia, gắn bó với nghề truyền thống của ông cha để lại. Tuy nhiên thời gian gần đây nay, làng nghề đang đứng trước tình thế "tiến thoái lưỡng nan". Cuộc sống hiện tại với nhiều vật dụng mới đã len lỏi khắp các bản làng, nguy cơ mai một nghề đan lát sản phẩm mây tre rất cao bởi thiếu những chính sách bảo tồn tổng thể, thậm chí nhiều người không còn mặn mà. Điều này khiến các nghệ nhân tâm huyết với nghề vô cùng trăn trở. Hiện nay, người thành thạo nghề chỉ còn số ít, đa phần đều cao tuổi.

Bên cạnh thiên nhiên hoang sơ, các bản làng và những nghề truyền thống thì Nam Đông còn có những khu du lịch sinh thái tuyệt đẹp. YesHue Eco là một điểm đến thú vị như vậy. Điểm du lịch sinh thái YesHue Eco thuộc thôn Xuân Phú, xã Hương Phú, huyện Nam Đông, cách thành phố Huế khoảng 50 km. YesHue Eco có diện tích khoảng 4,5 ha, hệ thống giao thông đi lại thuận tiện, chỉ mất khoảng 45 phút bằng xe máy là đã đến được đây. YesHue Eco được biết đến với phong cảnh tự nhiên và hoang sơ của Thác Mơ, một thác nước bắt nguồn từ núi rừng Bạch Mã cao hơn 1.400m so với mực nước biển, có nhiệt độ thấp, mát mẻ. Thác Mơ là nơi mà du khách sẽ trút bỏ được cảm giác ồn ào của thành thị để tận hưởng không khí trong lành yên bình của một khung cảnh tươi đẹp và gần như còn hoang sơ. Dòng thác này mát vào ban trưa và có thể se se lạnh khi về chiều, không khác gì thời tiết Đà Lạt, cũng có thể ví thác Mơ là Đà Lạt giữa lòng Thừa Thiên Huế.

Hướng đi của du lịch Nam Đông trong thời gian tới là khai thác du lịch sinh thái và cộng đồng. Trong đó, sẽ tập trung đẩy mạnh du lịch cộng đồng, bảo tồn nét văn hóa độc đáo của người dân Cơ Tu. Du khách sẽ học hỏi và lưu giữ được những điệu múa, câu hát truyền thống, những món ăn gắn liền với đời sống của người dân Cơ Tu suốt bao đời qua…

Lê Huy Hoàng Hải

Tin liên quan

Châu Hương Viên - Nơi lưu giữ hồn thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị
Điểm đến
Châu Hương Viên - Nơi lưu giữ hồn thơ Ưng Bìn...

Trong không khí tưng bừng của Festival Huế 2024 và kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám...

Du lịch A Lưới, điểm đến gây thương nhớ
Điểm đến
Du lịch A Lưới, điểm đến gây thương nhớ

Nếu đã quá quen với những địa điểm trong trung tâm cố đô Huế thì hãy thử ngược lên vù...

A Roàng xa mà gần
Điểm đến
A Roàng xa mà gần

A Roàng là xã biên giới của huyện A Lưới, cách trung tâm TP. Huế khoảng 90km. Bà con ...

Hai khu phố cổ tạo điểm nhấn cho du lịch Huế
Điểm đến
Hai khu phố cổ tạo điểm nhấn cho du lịch Huế

Nếu Kinh thành Huế và lăng tẩm của các hoàng đế nhà Nguyễn là những gì còn sót lại củ...