Trong tất cả lăng tẩm của các vị đế hậu triều Nguyễn, có lẽ An Lăng là khu lăng mộ có số phận và lịch sử hình thành đặc biệt nhất, gắn liền với số phận hẩm hiu của chủ nhân của nó.
Kế vị vua tiền nhiệm là vua Tự Đức được 3 ngày thì bị phế truất và quản thúc bỏ đói cho đến chết, thi thể được chôn tạm tại khe cồn Phước Quả, gần chùa Tường Quang.
Đến năm năm 1889, sau liên tiếp 4 đời vua khác là các vua Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi và Đồng Khánh kế vị kể từ khi ông bị phế truất thì con trai của ông là Nguyễn Phúc Bửu Lân được đưa lên ngôi vua lấy niên hiệu Thành Thái. Sau khi lên ngôi, vua Thành Thái liền cho xây lăng mộ của cha đàng hoàng và đặt tên là An Lăng. Nơi thờ thì có chùa Tường Quang cách 200 mét.
Năm 1891, vua Thành Thái cho xây dựng một ngôi miếu ở phường Thuận Cát, gần bên phải Hoàng thành để thờ vua Dục Đức, đặt tên là Tân Miếu (Năm 1897, đổi tên là Cung Tôn Miếu). Năm 1892, bà Từ Minh Hoàng Thái Hậu - mẹ vua Thành Thái xuất tiền đúc tượng Phật và mở rộng nhà tăng của ngôi chùa Tường Quang, năm sau vua Thành Thái cho đổi tên thành chùa Kim Quang và ban cho chùa tấm hoành phi đề 5 chữ “Sắc Tứ Kim Quang Tự”.
Đến tháng 7 năm Thành Thái thứ 11 (8/1899), nhà vua cho xây dựng điện Long Ân gần khu vực lăng mộ vua Dục Đức để thờ cha. Trong khuôn viên này có xây dựng thêm một số nhà của phụ thuộc như Tả, Hữu phối đường, Tả Hữu tòng viện dành cho 7 bà vợ thứ của vua Dục Đức ăn ở để lo hương khói phụng thờ. Năm 1906, bà Từ Minh tạ thế, triều đình cho quy hoạch lại khu vực lăng mộ vua Dục Đức, làm thành một khu lăng kép, xây mộ bà gần mộ ông theo kiểu "song táng", "càn khôn hiệp đức" như ở lăng Thế tổ Cao Hoàng Đế và Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu (lăng Gia Long).
Cuối năm 1945, ngay sau khi vua Duy Tân tử nạn máy bay ở châu Phi, một lễ truy điệu nhà vua được tổ chức tại điện Long Ân và thờ chung vua tại đây. Năm 1954, khi vua Thành Thái mất, thi hài được đưa về chôn tại địa điểm hiện nay trong khu vực An Lăng và được thờ ở ngôi điện Long Ân. Năm 1987, hài cốt vua Duy Tân được đưa về an táng cạnh lăng Thành Thái. Kể từ đó đến nay An Lăng trở thành nơi thờ tự của 3 vị vua gồm 3 thế hệ là cha, con và cháu.
Do những biến cố của lịch sử và sự bào mòn của thời gian, lăng trở nên xuống cấp trầm trọng trong một thời gian dài. Năm 2018, chính quyền Thừa Thiên Huế đã tiến hành công tác trùng tu, tôn tạo, đến nay đã hoàn tất và dự kiến sẽ đưa vào khai thác đón khách du lịch trong thời gian tới.
Cùng VisitHue thưởng ngoạn khu di tích đặc biệt này qua chùm ảnh sau:
Tin liên quan
Hoàng đế Đồng Khánh tên là Nguyễn Phúc Ưng Thị, còn có tên là Đường và Biện. Ông là c...
Lăng Dục Đức (An Lăng) là nơi an nghỉ cuối cùng của ba vị vua triều Nguyễn: Dục Đức (...
Ngày 07/6/2024, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế long trọng tổ chức lễ khánh thành...
Ở phía Bắc lăng vua Tự Đức (phường Thuỷ Xuân, thành phố Huế) có một lăng mộ nhỏ nhưng...