Trong hệ thống lăng mộ thời Nguyễn, lăng vua Khải Định có sự pha trộn yếu tố Đông-Tây rõ rệt.
Mũ cột theo kiểu thức CoriNth
Ở đây, sự ảnh hưởng của phương Tây đầu tiên được thể hiện ở các vật liệu trang trí có nguồn gốc ngoại lai được đưa vào lăng: xi măng, thủy tinh, sơn dầu. Cụ thể: xi măng và những sản phẩm liên quan đến nó như vữa, bê tông có thể thấy ở khắp các thành phần kiến trúc của lăng như cổng đi vào, cột trụ biểu, nhà bia bát giác và cung Thiên Định, đi kèm theo đó là các họa tiết trang trí, tượng tròn được đắp bằng xi măng, vôi vữa. Vật liệu thủy tinh được tìm thấy nhiều ở mắt của các con rồng, hoặc được tạo hình thành chữ vạn màu xanh ở các vòm cửa, các diện tường nội thất cung Thiên Định. Với sơn dầu, trên trần nhà của cung Thiên Định là bức tranh “Cửu long ẩn vân” nổi tiếng của họa sĩ Phan Văn Tánh, sơn dầu là chất liệu tả thực tốt, giúp người nghệ nhân thực hiện được bút pháp táo bạo và phóng khoáng.
Sự ảnh hưởng này còn được thể hiện ở việc trang trí các kiểu cột, các hoa văn đặc trưng của mỹ thuật phương Tây. Trên mũ cột ở nhà bia bát giác hay ở nội thất cung Thiên Định chẳng hạn, mũ cột được trang trí làm theo kiểu thức Corinth. Thức Corinth này ra đời vào thế kỷ thứ V trước CN, mũ cột là một lẵng hoa kết bằng hai tầng lá A-can (phiến thảo). Ở nhà bia bát giác, mũ cột được làm bằng xi măng, màu ghi xám còn ở nội thất cung Thiên Định thì mũ cột với hình lá phiến thảo lại được ghép bằng mảnh sành sứ. Một kiểu cột khác của phương Tây cũng được đưa vào là kiểu Doric. Đây là kiểu cột ra đời vào thế kỷ thứ I trước CN, do người Doric ở Hy Lạp tạo ra. Ở lăng Khải Định, kiểu cột Doric không còn thuần như trước mà được biến thể sang kiểu cột vuông và không có chức năng chống đỡ mà là cột giả, với chức năng trang trí là chính. Một số hoa văn đặc trưng hay biểu tượng của người Tây như hàng rào thánh giá, hay trán tường cung Thiên Định được làm theo phong cách Tân cổ điển xuất hiện loại hoa Lily of valley (hoa linh lan)- đây là loại hoa được người Pháp yêu thích.
Ngư long hí thủy
Một số vật dụng khác đậm tính chất phương Tây cũng được đưa vào làm họa tiết trang trí trong các ô hộc của cung Thiên Định và được ghép bằng gốm sứ tinh xảo có thể đến như: đèn kiểu Tây, đồng hồ, ly rượu champane… Các vật dụng này không mang nhiều tính biểu tượng mà chỉ đơn giản là làm cho nghệ thuật trang trí lăng Khải Định thêm phong phú và độc đáo.
Dấu ấn thẩm mỹ phương Đông vẫn được thể hiện rõ nét trong nghệ thuật trang trí. Đầu tiên là chất liệu gốm sứ. Ở Việt Nam, gốm sứ đã xuất hiện từ lâu và đưa vào trang trí kiến trúc từ rất sớm, đến thời Nguyễn, việc trang trí bằng gốm sứ này tiếp tục được duy trì và phát huy cao độ, thể hiện rõ ở trong các lăng tẩm vua Nguyễn, mà nội thất lăng Khải Định là bằng chứng rực rỡ nhất. Ở lăng Khải Định, bên cạnh các vật liệu gốm, sành, sứ có sẵn trong nước, nhà vua đã cho nhập thêm từ Trung Quốc và Nhật Bản. Thậm chí, trong quá trình trang trí lăng, nhà vua đã cho đập những chiếc bình cổ đẹp và có giá trị ra thành nhiều mảnh vỡ và khảm lại trên tường. Bằng bàn tay khéo léo và khối óc sáng tạo, những người nghệ nhân tài hoa đã tạo nên những bức tranh bằng gốm sành sứ tuyệt đẹp miêu tả cảnh sắc thiên nhiên với màu sắc rực rỡ của xứ sở nhiệt đới. Màu sắc này càng thêm óng ánh, lung linh khi có sự va đập của ánh sáng. Điều này làm cho nội thất lăng Khải Định thêm sáng bừng, chứ không âm u, lạnh lẽo. Các đề tài trang trí quen thuộc với người phương Đông xuất hiện nhiều, được thấy là các đề tài tứ linh: long, lân, quy, phượng trong đó hình tượng long gắn liền với thiên tử xuất hiện dày đặc nhất với nhiều motip như: lưỡng long chầu nhật, long ẩn vân, ngư-long hí thủy…
Đề tài tứ quý: mai, lan, cúc, trúc (đôi khi hoa lan thay bằng hoa sen, trúc thay bằng tùng) đề cao những đức tính cao đẹp tiêu biểu cho người quân tử, đồng thời ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên qua bốn mùa xuân hạ, thu đông. Đề tài bát bửu, bát quả và những hình tượng như cá, dơi, gà trống thường được người phương Đông gắn với ý nghĩa tốt đẹp phúc, lộc tăng thêm ý nghĩa tốt lành... Các đề tài này nhằm truyền tải những giá trị tinh thần tốt đẹp của Nho giáo, Phật giáo và Lão giáo, đồng thời nói lên mơ ước về một cuộc sống thanh cao, hạnh phúc mà người phương Đông muốn hướng tới.
Dung hợp trong mình nghệ thuật của phương Đông và phương Tây, lăng Khải Định mang dáng dấp của một công trình nghệ thuật độc đáo và chiếm vị trí riêng biệt so với các lăng mộ trước đó. Lăng Khải Định đã phản ánh bức tranh lịch sử, văn hóa của nước nhà thời bấy giờ, đồng thời nói lên tính cách của chủ nhân lăng mộ-một ông vua táo bạo, tư tưởng cởi mở trước những cái mới lạ nhưng vẫn trân trọng những giá trị nghệ thuật truyền thống.
Tin liên quan
Chiều tối 23/11, tại Đại Nội Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ đón Bằng công n...
Cửu Đỉnh nhà Nguyễn chính là 9 chiếc đỉnh bằng đồng được vua Minh Mạng ra lệnh chế tá...
Ngọ Môn, Hiển Nhơn, Chương Đức, Hòa Bình là tên 4 cửa ra vào Hoàng Thành Huế (Đại Nội...
Triều đình nhà Nguyễn trải qua 13 đời vua trị vì đã để lại cho di sản Huế một khối lư...