Trong Hoàng Thành Huế, các vua nhà Nguyễn đã cho xây dựng năm khu miếu thờ.
Nguồn ảnh: Hue, Trully Vietnam
Đây là điều khác biệt so với Trung Hoa. Tại Cố Cung Bắc Kinh, người Trung Hoa chỉ xây dựng các miếu thờ Trời, Đất, Mặt trăng... nhưng các miếu thờ ấy nằm ngoài Hoàng Thành của họ. Tại Đại Nội Huế thì có đến năm khu miếu thờ. Triệu Tổ Miếu (thờ Triệu Tổ Tĩnh hoàng đế Nguyễn Kim và vợ của ông), Thái Tổ Miếu (thờ chín vị chúa Nguyễn, từ Thái Tổ Gia Dũ hoàng đế Nguyễn Hoàng đến Hiếu Định Vương Nguyễn Phúc Thuần và các bà vợ của họ). Hai miếu thờ này nằm ở phía tả Thái Hòa Điện, trong những khu vực biệt lập có các vòng tường bao kín. Trong đó, ngoài các miếu chính còn có các miếu nhỏ thờ các vị công thần thời các chúa Nguyễn. Đối xứng với hai miếu thờ này qua đường thần đạo của Hoàng Thành còn có Hưng Tổ Miếu (thờ Hưng Tổ Hiếu Khương hoàng đế Nguyễn Phúc Luân (còn có tên là Gọ) và hoàng hậu, bố và mẹ của vua Gia Long), Thế Tổ Miếu (thờ các vị vua Nguyễn và các hoàng hậu). Ngôi miếu thứ năm có tên là Phụng Tiên Từ nằm trong một khuôn viên phía sau Hưng Tổ Miếu, ngay trước cung Diên Thọ (nơi ở của Hoàng Thái Hậu) thờ bốn vị vua thời Nguyễn sơ (Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức) dành riêng cho các bà đến phúng viếng vì họ không được đặt chân đến các ngôi miếu thờ kia, vốn chỉ dành riêng cho nam giới.
Trong các miếu thờ trên, Thế Tổ Miếu là nơi quan trọng bậc nhất. Đây là khu miếu thờ lớn nhất, ngoài miếu chính còn có nhiều công trình phụ thuộc có giá trị nghệ thuật và giàu tính lịch sử như Cửu đỉnh; Hiển Lâm Các (nơi suy tôn công lao các vị thần linh, vua và công thần triều Nguyễn; Tả, Hữu Tùng Tự (nơi thờ các công thần); Canh Biểu Điện (thờ Khổng Tử, nay đã bị triệt hạ); đền thờ Thổ Công. Đây cũng là nơi bảo lưu tương đối trọn vẹn nhất dấu tích xưa so với các khu miếu thờ khác trong Đại Nội Huế.
Nguồn ảnh: Hue, Trully Vietnam
Thế Tổ Miếu (thường được gọi tắt là Thế Miếu) được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 2 (1821) theo kiến trúc “trùng thiềm điệp ốc”, tiền doanh 11 gian, hai chái; chính doanh chín gian, hai chái kép. Trong miếu thiết án thờ các vua nhà Nguyễn. Mỗi vị vua được thờ ở mỗi gian. Về kết cấu thiết trí án thờ trong Thế Tổ Miếu tuân theo mô thức chung về cách thiết trí án thờ vua chúa dưới triều Nguyễn. Ngoài cùng là một án thờ dùng làm nơi thờ vọng và thiết trí tam bảo, thường được chạm lộng tứ linh, mây, lá cúc, sơn son thếp vàng. Giữa là kỷ thờ và sập thờ để bát nhang, chân đèn và các đồ tự khí hoặc các cổ vật từng gắn bó với các vị đế hậu lúc sinh thời. Trong cùng là khám thờ. Đây là những tác phẩm nghệ thuật thực sự với lối chạm trổ cực kỳ tinh xảo và nghệ thuật trang trí sơn son thếp vàng truyền thống. Bên trong khám đặt bài vị của vua và hoàng hậu. Bài vị của nhà vua luôn ở phía tả, bài vị của hoàng hậu ở về phía hữu theo nguyên tắc tả nam hữu nữ. Nếu vua lập hai hoàng hậu (như vua Minh Mạng và vua Đồng Khánh) thì bài vị của vua đặt ở chính giữa khám. Bên trái là của hoàng hậu thứ nhất, bên phải là của hoàng hậu thứ hai. Trong nội thất Thế Tổ Miếu trước đây thiết bảy án thờ bảy vị vua nhà Nguyễn theo trật tự ở Sơ đồ 1.
Triều đại nhà Nguyễn trải 143 năm với 13 triều vua nhưng dưới triều Nguyễn chỉ có bảy vị vua được thờ trong Thế Tổ Miếu. Có năm vị vua không được triều Nguyễn thờ phụng trong miếu này. Đó là các vua: Dục Đức, Hiệp Hòa, Hàm Nghi, Thành Thái và Duy Tân. Vua Dục Đức và vua Hiệp Hòa làm vua trong bối cảnh đất nước rối ren, yên vị chưa được bao lâu thì bị phế truất, sử sách gọi là “phế đế” nên không được thờ. Ba vị vua Hàm Nghi, Thành Thái và Duy Tân là những ông vua yêu nước, có tinh thần kháng Pháp nên bị thực dân Pháp bắt đi đày. Vua Hàm Nghi bị đày ở Algérie. Vua Thành Thái và vua Duy Tân bị đày ở đảo Réunion (Madagasca). Họ bị coi là “xuất đế” nên cũng không được thờ trong Thế Tổ Miếu. Vua Bảo Đại mới mất ở Pháp vào năm 1997, nên cũng không được đưa vào thờ trong Thế Tổ Miếu.
Sau năm 1954, Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc đã đưa thêm các vị vua Hàm Nghi, Thành Thái và Duy Tân vào thờ nơi đây. Vì Thế Tổ Miếu chỉ có chín gian, nên người ta đã phải mở rộng một gian bằng cách phá hệ thống đố bản ở chái phía tả để đặt án thờ, khám thờ và kỷ thờ của vua Thành Thái. Hai vị vua Duy Tân và Hàm Nghi được đưa vào thờ ở hai gian hữu tứ (ngoài cùng bên phải) và tả tứ (ngoài cùng bên trái). Hiện trạng nội thất Thế Miếu cho đến hôm nay được bố trí theo trật tự ở Sơ đồ 2.
Nguồn ảnh: Hue, Trully Vietnam
Như vậy là sau một thời gian dài không được thờ phụng trong mái ấm dành cho các bậc đế vương triều Nguyễn, ba vị vua yêu nước đã được trở về với mái ấm của dòng họ mình ở trong Thế Tổ Miếu.
Trật tự thiết trí các án thờ cũng là một vấn đề rất phức tạp. Theo nguyên tắc của chế độ phong kiến, tại các miếu thờ, trong đó có Thế Tổ Miếu, thì án chánh trung (chính giữa) thờ vị vua (chúa) đầu tiên. Càng tiến về hai đầu thì thứ bậc người được thờ càng nhỏ dần và người được thờ ở bên trái luôn có vị trí hoặc thứ bậc lớn hơn người được thờ ở phía phải cùng gian.
Tại Thế Tổ Miếu, các án thờ vua Gia Long, vua Minh Mạng, vua Thiệu Trị và vua Tự Đức được tuân thủ trật tự trên một cách chặt chẽ, nhưng từ vua Kiến Phước trở đi, trật tự đó đã bị phá vỡ. Đây là hậu quả của những vấn nạn lịch sử do việc các vị “phế đế” và “xuất đế” không được thờ phụng nơi này.
Về quan hệ thân tộc, vua Kiến Phúc là em ruột vua Đồng Khánh và là anh ruột vua Hàm Nghi; vua Đồng Khánh là thân phụ vua Khải Định; vua Thành Thái là thân phụ vua Duy Tân, cũng là anh họ vua Khải Định. Quan hệ thân tộc của sáu vị vua này theo ngôi bậc trong dòng họ theo thứ tự: Đồng Khánh → Kiến Phúc → Hàm Nghi → Thành Thái → Khải Định → Duy Tân. Song do những éo le của lịch sử, thế thứ vương quyền của họ lại theo một trật tự khác (trong giai đoạn 1883 - 1925): Kiến Phúc → Hàm Nghi → Đồng Khánh → Thành Thái → Duy Tân → Khải Định. Trong lúc đó, trật tự xếp đặt án thờ theo vị thế từ trước tới sau hiện tại trong Thế Tổ Miếu lại là: Kiến Phúc → Đồng Khánh → Khải Định → Hàm Nghi → Duy Tân → Thành Thái.
Với cách thiết trí như hiện nay đã dẫn đến tình trạng: Vua Hàm Nghi làm vua trước vua Đồng Khánh và vua Khải Định thì lại được thờ ở vị trí sau hai vua này. Vua Khải Định là cháu gọi vua Hàm Nghi bằng chú, gọi vua Thành Thái là anh họ, thì được thờ ở vị trí lớn hơn hai vua này. Hay như vua Duy Tân là con vua Thành Thái, làm vua sau, thì được thờ ở vị trí thứ 9, trong khi vua Thành Thái lại được thờ ở vị trí thứ 10.
Vấn đề trên đã gây thắc mắc cho bao người trong suốt mấy chục năm qua. Theo hiện trạng này, trật tự về thế thứ và trật tự về dòng họ đều không ổn.
Phía trước Thế Tổ Miếu có Cửu đỉnh, là chín đỉnh đồng được đúc dưới triều Minh Mạng (trong hai năm 1835 - 1837). Trên mỗi đỉnh có khắc tên: Cao, Nhân, Chương, Anh, Nghị, Thuần, Tuyên, Dụ, Huyền.
Triều Nguyễn đã dùng bảy tên đỉnh đầu tiên làm thụy hiệu cho bảy vị vua: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Kiến Phúc, Đồng Khánh, Khải Định và đã bố trí án thờ của từng vị vua theo vị trí của từng chiếc đỉnh có tên được dùng làm thụy hiệu cho vị vua đó. Riêng Huyền đỉnh và Dụ đỉnh thì chưa được chọn làm thụy hiệu của vị vua nào, dù trong Thế Tổ Miếu hiện đã có 10 án thờ.
Nguyên nhân là do triều Nguyễn đã cáo chung vào tháng 8 năm 1945, nên những gì lịch sử để lại thì vẫn được thế hệ đương đại tôn trọng và giữ nguyên. Vì thế, khi rước thêm ba án thờ của các vua Hàm Nghi, Thành Thái và Duy Tân vào thờ trong Thế Tổ Miếu, Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc và cơ quan hữu trách vẫn giữ nguyên thiết trí cũ, chỉ sắp xếp các án thờ mới ở hai gian còn lại và một chái mở rộng trong Thế Tổ Miếu mà thôi.
Ngày nay, Thế Tổ Miếu vẫn luôn giữ được vẻ tôn nghiêm trang kính vốn có, đồng thời là một điểm du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách khi họ đến tham quan Hoàng Thành Huế.
Tin liên quan
Chiều tối 23/11, tại Đại Nội Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ đón Bằng công n...
Ngọ Môn, Hiển Nhơn, Chương Đức, Hòa Bình là tên 4 cửa ra vào Hoàng Thành Huế (Đại Nội...
Triều đình nhà Nguyễn trải qua 13 đời vua trị vì đã để lại cho di sản Huế một khối lư...
Ít ai biết rằng tòa nhà Ngự tiền Văn phòng là địa điểm gắn liền với sự nghiệp của một...