Huế là kinh đô xưa nên còn giữ được nhiều cổ tục trong việc đón Tết và ăn Tết. Nghi lễ cúng bái và trổ tài nữ công gia chánh trong dịp Tết của người Huế rất cầu kỳ, tạo nên văn hóa Tết Huế lưu truyền hàng trăm năm qua.
Món chả Huế ngày Tết.
Tết Huế xưa cũng như nay, không gia đình Huế nào dám xem nhẹ việc cúng bái. Trước Tết có cúng ông Táo, cúng Tất niên, cúng cỗ lên nêu, rước ông bà về ăn Tết, cúng Giao thừa… Các gia đình làm gì thì làm, ngày 30 Tết phải bày mâm cỗ để cúng rước ông bà tổ tiên về ăn Tết cùng gia đình. Bao nhiêu lễ cúng là bấy nhiêu sự khéo léo của nữ công gia chánh bày ra trên mâm cỗ. Đây cũng là dịp gia đình sum họp nên con cháu dù ở xa mấy cũng tìm cách về cúng cỗ ba mươi. Hơn thế, Tết của người Huế không chỉ để được sum họp mà còn tìm lại hình ảnh thân thương của những người thân đã khuất.
Nghề làm bánh tét cho ngày Tết ở Huế
Phụ nữ Huế hiếm khi chọn mua bánh mứt Tết ở chợ, nhà nghèo làm theo kiểu nhà nghèo, ít vị, rẻ tiền, nhà khá giả thì bánh mứt đủ chủng loại hơn. Ai cũng gói ghém bánh trái, chăm chút làm mứt món với tất cả sự đam mê, lòng thành kính để dâng cúng tổ tiên đất trời, chiêu đãi khách khứa bạn bè. Nhiều gia đình ở Huế thường nấu cho con cháu nồi bánh tét nhân mỡ, nhụy đậu xanh để ăn trong ngày Tết. Đặc biệt, có bánh tét gói nếp làng Chuồn, xã Phú An, huyện Phú Vang) mềm, dẻo, thơm ngon và để được lâu. Còn gì thú vị bằng khi cả nhà đoàn viên, ngập tràn hạnh phúc bên bếp lửa bập bùng trong tiết trời se lạnh.
Món ăn cung đình Huế ngày Tết.
Huế vốn nổi tiếng với các món cỗ chay cao cấp trong cung đình xưa nên nhiều bà nội trợ đất Thần kinh đều biết nấu được một số món chay đặc sắc. Nhờ thế mà cỗ chay ngày Tết ở Huế rất phong phú. Nghệ nhân Tôn Nữ Thị Hà, thuộc dòng dõi hoàng tộc ở Huế, từ năm lên 10 tuổi, bà đã được vào cung xem cách chế biến món ăn cho vua. Nói về phong tục Tết Huế, bà Hà kể: “Ngày Tết, cúng cỗ ba mươi phải tươm tất, có năm làm đến 42 món cúng ngoài trời. Đêm giao thừa, trong nhà thùng phải đầy gạo, hũ đầy muối, lu đầy nước; con cháu phải mặc quần áo mới, được mừng tuổi xong mới đi ngủ. Sáng mùng 1 Tết, cả nhà ăn lót dạ món “canh suông” (canh mướp ngọt nấu với bún và ít thịt cho dễ ăn, mong mọi điều suôn sẻ). Sau đó, người được nhờ đạp đất đến xông đất, rồi cả nhà xuất hành theo hướng, theo giờ tốt đã định trước. Đầu năm, thường bà con lên nhà thờ họ bái lạy tổ tiên xong, đi thăm gia đình cận thân. Ngày mùng 1 Tết kiêng ăn tôm, không ăn ớt, quét rác thì quét vô tấp đống trong nhà, không quét ra cửa”.
Phong tục dựng cây Nêu đón Tết ở Huế.
Người Huế ăn Tết cầu kỳ là vậy, song chuyện chơi trong những ngày đầu xuân cũng công phu không kém. Ngoài những trò trong cung vua, phủ chúa vẫn còn lưu giữ thì trò vui nơi thôn dã cũng rất phong phú. Ở các làng quê, những trò chơi như bài chòi, đu tiên, đua ghe, đấu vật... lúc nào cũng người đông như nêm. Nhiều gia đình Huế lại có thú chơi bài tới, xăm hường, tứ sắc, bài cẩu… Nhất là, tiếng gieo xúc xắc của trò xăm hường vẫn rộn rã trong ba ngày Tết.
Cuộc sống thời hiện đại hối hả với biết bao lo toan, tất bật nên việc chuẩn bị cho ngày Tết cổ truyền dân tộc có phần đơn giản hơn nhiều. Tuy nhiên, Tết Huế vẫn còn lưu giữ được một số nét văn hoá đẹp của ngày xưa ở phần lễ. Thế nên, dù có đi chơi Tết xa nhà, các gia đình Huế phải thực hiện xong những lễ nghi ngày Tết riêng có của Huế.
Các sản phẩm Tết được bày bán ở Đông Ba trong dịp Tết.
Nét đẹp ở các phiên chợ quê ngày Tết ở Huế.
Tin liên quan
Liên hoan Dân vũ quốc tế lần thứ III – Chào mừng Festival Huế 2018 diễn ra sôi nổi tạ...
Từ ngày 25-27/4/2018, tại Khu di sản Huế, Trung tâm bảo tồn Di tích cố đô Huế sẽ phối...
Huế mang trong mình những nét cổ kính trầm mặc bởi những công trình còn mãi với thời ...
Cuối tháng 10 vừa qua, lớp Văn K1 Đại học Tổng hợp Huế chúng tôi họp mặt kỷ niệm 40 n...